Tiếng nói của những tỷ lệ phần trăm...

02/08/2006 08:39 GMT+7

Từ sau Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, một trong những hiện tượng nổi bật ở nước ta là tỷ lệ phần trăm - hoặc cao hoặc thấp - trong một số hoạt động xã hội đã tiếp cận dần với sự thật và đã đóng góp tích cực vào việc nhìn thẳng sự thật của chúng ta. Chúng ta ở đây là Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Tất nhiên, có những tỷ lệ phần trăm đáng buồn nhưng chúng ta đang tự mổ xẻ để nhận diện chính mình, tỷ lệ ấy dù “tàn nhẫn” vẫn không phải là toàn bộ sức khỏe của đất nước ta, bởi có rất nhiều tỷ lệ phần trăm phấn khởi song nó thuộc về một phạm vi khác - mặt tích cực mà tất cả người Việt Nam đều trân trọng vì đang thụ hưởng nó.

Ngành giáo dục, qua kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng đã giới thiệu tương đối đủ mặt bằng của nền giáo dục mấy năm qua. Những con số thống kê trước đây không phản ánh chân thật tình trạng giáo dục nước ta. Lần đầu tiên, kết quả chấm thi đảo ngược. Đảo ngược ở gần đủ các môn học và cũng ở gần đủ các địa bàn. Số lượng học sinh thi trung học phổ thông không đạt điểm quá đông, số thí sinh đại học và cao đẳng cũng thế. Đau lòng thật nhưng không mừng rỡ như trước đây một cách giả tạo. Sự khắc phục những tệ hại trong giáo dục do vậy mới có cơ thành công. Đó đúng là cửa đột phá cho một cuộc cải cách giáo dục đúng nghĩa. Chúng ta thấy gì qua một vụ rất nhỏ ở Trường cao đẳng Phát thanh Truyền hình Trung ương I quanh một phó khoa? Không cởi mở thì không có chuyện lôi sự việc tồi tệ này ra ánh sáng. Tôi xúc động khi đọc trên Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh bài viết của một nữ giáo viên ở Hà Nội tự kiểm điểm mình đã “giúp đỡ” cho một số người thêm điểm để được lên lớp. Không có luồng gió mới thì không có chuyện tự tố giác ấy.

Tỷ lệ học kém quá cao như tiến sĩ Hồ Thiệu Hùng, Phó trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy TP Hồ Chí Minh phát biểu nhưng sẽ không đáng sợ lắm cái tỷ lệ ấy khi chúng ta biết được rằng học sinh đang kém về kiến thức - chưa nói kém về những mặt khác nữa. Biết được đã là tích cực.

Cũng trong phạm vi tỷ lệ phần trăm này, ở lĩnh vực cao hơn là phiếu tín nhiệm của Quốc hội đối với một số chức danh Chính phủ. Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã phát biểu trên báo rằng tỷ lệ phiếu bầu cho ông không cao và ông xem đó như một cảnh báo, ông phải cố gắng rất nhiều trong cương vị mới và cũng nhắc ông những việc không thành công trong quá khứ. Một ủy viên Bộ Chính trị, một Phó thủ tướng thường trực Chính phủ mà nói được những điều trên, với chúng ta là điểm đáng quý. Thực ra nếu đằng thẳng thông qua bầu cử dân chủ để chọn những người lãnh đạo, quản lý đất nước thì chắc chắn không chỉ có một trường hợp của ông Nguyễn Sinh Hùng. Song chính trường hợp của ông Nguyễn  Sinh Hùng với cung cách phát triển đổi mới sau Đại hội X và thái độ minh bạch của ông Nguyễn Sinh Hùng đã cho chúng ta niềm tin. Sống với cái thật chỉ có thể là khó khăn của một số người nào đó còn với truyền thống văn hóa của dân tộc, với quan điểm của Đảng Cộng sản, thì đó là lẽ đương nhiên, đó là không khí để những người yêu nước và cách mạng sống.

Vấn đề còn lại là một cơn gió thoảng hay liên tục những trận gió lớn. Cái cần thiết, chúng ta đều biết - không thể là một cơn gió thoảng...

7/2006
T.B.Đ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.