Từ một trường cao đẳng, vài đề xuất với Bộ Giáo dục - Đào tạo

09/08/2006 00:27 GMT+7

Vụ việc có thể gọi là bê bối xảy ra ở Trường cao đẳng Phát thanh - truyền hình do trung ương quản lý đặt tại địa bàn tỉnh Hà Nam, đang gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Bức xúc không chỉ vì cái sai trái đã phơi bày bằng giấy trắng mực đen, băng ghi âm và cả lời tố cáo của nạn nhân và lời thú nhận của kẻ đội lốt thầy giáo mà còn vì, cứ mỗi ngày qua, thêm chứng cớ về cái tồi tệ rất khó tưởng tượng. Một trong những cái tồi tệ hàng đầu ấy là tập thể quản lý nhà trường chẳng những không tự mình phát hiện sai sót để xử lý ngay tại chỗ mà cố tình bưng bít, thậm chí phản kích khi bị phanh phui, điển hình là hiệu trưởng nhà trường cùng một số quan chức có trách nhiệm.

Đương nhiên, ngành điều tra đang làm sáng tỏ những vấn đề thuộc đạo đức của một trường cao đẳng nói chung và của những cá nhân chịu trách nhiệm hàng đầu nói riêng. Kết luận của cơ quan điều tra có thể hoặc giảm nhẹ đôi phần vụ án - ta phải gọi thẳng là vụ án, vụ tham nhũng khá điển hình với những yếu tố đòi hối lộ bằng tiền hay bằng tình - hoặc sẽ tăng thêm độ nặng của tội lỗi. Bất kể như thế nào, chỉ riêng thái độ của một phó khoa (và không chỉ của một phó khoa), của hiệu trưởng (và không chỉ của hiệu trưởng) như tài liệu rành rành thì nhân cách lãnh đạo cùng hiệu quả của bộ máy quản lý đặt cho xã hội một dấu hỏi lớn: nên để con người với nhân cách ấy điều hành một trường cao đẳng hay không? Lại là trường cao đẳng phát thanh - truyền hình, nghĩa là cái lò đào tạo những hạt nhân sẽ tác động vào đời sống tinh thần của xã hội.

Tôi biết tân bộ trưởng giáo dục vừa chân ướt chân ráo tiếp quản cả một cơ ngơi, phần tốt chắc chắn là lớn nhưng không ít con sâu và loại... sâu rộm, cho nên trong một ngày một buổi khó làm sạch được môi trường giảng dạy, chỉ xét trong phạm vi cao đẳng và đại học mà thôi. Dù biết vậy, dư luận vẫn mong ít ra Bộ Giáo dục cũng đình chỉ tạm thời bộ máy điều hành trong khi chờ đợi kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra. Đây là cái "nghiêm" cần thiết.

Không phải tất cả các trường cao đẳng, đại học đều giống như Trường cao đẳng Phát thanh - truyền hình, song, nếu gạn lọc thì sẽ thấy đây không phải là trường hợp duy nhất. Tôi vừa nhận được đơn tố cáo gửi từ Trường đại học Luật TP Hồ Chí Minh về việc quyết định chỉ định quyền hiệu trưởng được Bộ trưởng Giáo dục tiền nhiệm ký chỉ đúng một ngày trước khi ông từ nhiệm. Tôi rất mến và trọng vị Bộ trưởng tiền nhiệm nhưng nếu quả đó là sự thật thì sự hấp tấp đó khiến người ta khó hiểu và càng khó hiểu hơn nếu có thêm sự việc trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, người ít phiếu hơn được bổ nhiệm và người có phiếu tín nhiệm nhiều hơn lại bị loại. Sau đó, một thứ trưởng lại có công văn xác nhận chuyện bổ nhiệm kia và tôi đọc công văn ấy, tìm mãi không thấy điểm nào thuyết phục tôi.

Lùi xa hơn một chút, Trường đại học Hùng Vương là một trường tư thục cũng bị Bộ giải quyết tùy tiện, tôi phản ứng với đồng chí Phó thủ tướng lúc bấy giờ thì đồng chí trả lời với tôi rằng đồng chí có những tài liệu chứng minh ngược lại những tài liệu mà tôi cung cấp cho đồng chí. Cho tới hôm nay, tôi vẫn chưa thấy những tài liệu phản biện đó. Có thể cái lỗi của cơ chế chưa quy định rõ trường tư thục và trường công lập, nhưng dẫu sao cũng có một cái gì không rõ ràng ở đây.

Tóm lại, cần có một cuộc điều tra nghiêm túc để soi sáng những uẩn khúc, bất kể vì lý do gì.

Tân Bộ trưởng Giáo dục đang gây một không khí hưng phấn trong ngành giáo dục, những nhà giáo có tên tuổi, có đạo đức, có thâm niên trong những ngày gần đây, trao đổi với tôi đều mong muốn Bộ Giáo dục làm sạch ngành của mình - không chỉ chuyện thi cử, chuyện phao, chuyện thi hộ của thí sinh... mà, theo tôi, hết sức quan trọng là khâu lãnh đạo và quản lý các trường.

Ai cũng hiểu rằng hệ thống giáo dục nước ta còn nhiều trục trặc, nhưng nếu sửa được những trục trặc nổi cộm thì tình hình sẽ tốt hơn. Tôi cũng hiểu là lương giáo viên thấp quá, các nhà giáo dày công chưa được đối xử thích đáng, trong trường hợp đó, khẩu hiệu "Tôn sư trọng đạo" vẫn nằm trên giấy, trên hô hào hơn là trong thực tế. Đưa một nền kinh tế từ lạc hậu lên phát triển đúng là rất khó khăn, còn cải cách một nền giáo dục cho lành mạnh, tôi nghĩ không đến nỗi quá vất vả. Cứ xét việc tuyển sinh vào Đại học Sư phạm chật vật như thế nào, người ta nói mỉa mai nhưng không xa sự thật: Cùng đường vào sư phạm. Không một phỉ báng truyền thống giáo dục quốc gia nào đau lòng hơn sự phỉ báng ấy. Nhân tài không từ trên trời rớt xuống mà do giáo dục, do nhà trường và, nói cụ thể là do nhà giáo. Chân lý cổ kim đông tây đều như thế. Cách mạng giáo dục, trong trường hợp như thế là phản cách mạng...

8/2006
Trần Bạch Đằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.