Không quạt, ti vi, ngay đến những vật dụng cần thiết như nồi cơm điện, bàn ghế học hành… cũng trống trải. Nguyễn Vũ cùng mẹ sống trong trong căn nhà đơn sơ, rộng chưa đầy 30m2 giữa thôn Hà Vy (Đại Hồng, Đại Lộc, Quảng Nam). Cậu học trò dáng người nhỏ, khuôn mặt đen sạm tiếp chúng tôi bằng nụ cười hiền nhưng vẫn đượm ưu tư, lo lắng.
Bà Nguyễn Thị Phượng (54 tuổi), mẹ Vũ vẫn đang tất bật trong giờ tỉa bắp thuê cuối vụ thu hoạch. Hỏi chuyện về bố, giọng Vũ buồn buồn: “Em chưa bao giờ có bố. Mỗi lần hỏi, mẹ lại khóc không trả lời. Bố bỏ mẹ con em khi em ra đời”.
Không có trụ cột trong gia đình, tuổi thơ Vũ đẫm cơ cực. Cậu học trò nhỏ còn nhớ như in, chưa bao giờ trong các dịp trung thu, lễ tết, mình có được những ngày vui trọn vẹn. Sau giờ học chính khóa, Vũ cùng mẹ phải làm lụng vất vả trên những cánh đồng lúa, vụ ngô, làm thêm ít đậu để kiếm miếng ăn qua ngày. Vũ bảo: “Nhà thuần nông nhưng chỉ chưa đầy 2 sào ruộng, nên mẹ con phải cố gắng làm thuê, kiếm thêm thu nhập”.
Phải nhờ ngành chức năng huyện Đại Lộc với chính sách chăm sóc mẹ liệt sĩ (bà ngoại Vũ là vợ, mẹ của liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ - PV), gia đình Vũ mới có được căn nhà tình nghĩa nhỏ thay cho ngôi nhà tồi tàn, dột nát qua nhiều thế hệ.
Nhìn quanh căn nhà chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc xe đạp được Vũ coi như báu vật. “Mãi đến năm lớp 12 khi được trường và một tổ chức Thụy Điển trao học bổng em mới có được chiếc xe đạp này. May mà có nó nếu không vào ĐH, em chưa biết đi bằng cái gì” - Vũ tâm sự.
Gian nan, cơ cực nhưng thành tích học tập của cậu học trò nghèo trường THPT Chu Văn An (huyện Đại Lộc) thật đáng khâm phục: 11 năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi, lớp 12 đạt học sinh tiên tiến; giải 3 Hóa cấp tỉnh (lớp 12), trước đó là giải 3 Toán, Văn cấp tỉnh (lớp 5)…
Đặc biệt trong kỳ tuyển sinh ĐH năm 2011, Vũ đạt 27 điểm vào ngành Xây dựng dân dụng, Á khoa khối A, ĐH Bách khoa Đà Nẵng và 23,5 điểm (khối B) vào ngành Răng hàm mặt (ĐH Y Huế).
Bà Phương vân vê đôi tay chai sần, đếm từng đồng bạc lẻ tích góp cả vụ mùa cho con ngày chuẩn bị nhập học: “Mới được hơn triệu đồng, tôi sợ không kịp xoay đủ tiền cho cháu nhập học. Nhà đất chật, ruộng ít chẳng có gì để bán lúc cấp bách”. Hơn chục năm nay, bà Phương gắng vượt cơn đau thần kinh nhức mỏi đầu gối làm thuê khắp các cánh đồng làng vẫn không khấm khá.
Vũ tâm sự, nhiều lúc thấy mẹ vất vả, em định nghỉ học để giúp đỡ gia đình nhưng mẹ không chịu. Mẹ cả đời cơ cực chỉ mong em học hành tốt, đỗ đạt. Thương mẹ, em lại ráng làm thêm, học hành để có thể hoàn thành ước nguyện đó”.
Theo Tiền Phong
Bình luận (0)