Cậu sinh viên hiếu thảo

03/10/2014 09:00 GMT+7

Đang học thì cha đổ bệnh, cậu sinh viên Hồ Ngọc Sơn thu xếp việc học ở Trường CĐ Kinh tế đối ngoại TP.HCM để về chăm sóc cha. Hơn ai hết, Sơn hiểu mình phải trở thành trụ cột trong một gia đình nghèo khó ở huyện miền núi An Lão, Bình Định.

Sơn và cậu em út bị động kinh - Ảnh: Khánh Tâm 

Những ngày chăm cha đau ở bệnh viện, một mình Sơn đỡ đần, chăm sóc cha. Không hiếm những đêm cậu phải thức trắng nhưng cứ mỗi lần cha mở mắt, Sơn lại cố cười rất tươi để cha an lòng, cho đến khi người cha trút hơi thở cuối tại bệnh viện. Hình ảnh đó đã khiến các y bác sĩ ở Bệnh viện Phong - da liễu Trung ương Quy Hòa (TP.Quy Nhơn) cảm động và cùng quyên góp, san sẻ với hai cha con.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thời Loan, Trưởng khoa Cấp cứu - hồi sức của bệnh viện cho biết: “Nhìn thấy cảnh em sinh viên đó chăm cha, tôi và nhiều người ở đây thương lắm. Cậu hiếu thảo một cách đặc biệt. Cực khổ, thiếu thốn là vậy mà lúc nào cũng cười với ba, thưa nói hết sức lễ phép, ngoan hiền. Bệnh viện đã miễn phí tiền ăn cho 2 cha con họ, cho luôn tiền xe đưa bệnh nhân về nhà an táng”.

Trong đơn trình bày hoàn cảnh, Sơn kể: “Nhà em trước đây, khi ba còn sống, có 5 người với 2 sào ruộng và 2 soi đất nhỏ trồng hoa màu. Tuy không dư dả nhưng cũng đủ ăn, cho đến khi sinh em út Hồ Ngọc Thiện. Em Thiện bị bệnh động kinh từ lúc chưa đầy một tuổi. Căn nhà cấp 4 được xây năm 2001 đã xuống cấp từ lâu. Mỗi khi có mưa dường như ướt hết cả nhà, vì lâu năm không tu sửa nên dột không chừa chỗ nào. Trần nhà chắp chỗ này, vá chỗ nọ nhưng rồi cũng vượt qua được mùa mưa.

Năm 2006, khi Thiện chưa đầy một tuổi thì phát bệnh không rõ nguyên nhân, gia đình đã nhiều lần chạy chữa nhưng không tiến triển. Khoảng 2 tuổi mới biết em bị động kinh. Mặc dù đã dùng nhiều cách, đi nhiều nơi nhưng bệnh tình không thuyên giảm, lúc nào cung cần có người chăm sóc nên mẹ phải ở nhà, ba trở thành lao động chính nuôi 4 người. Sau này, ba mổ thận sức khỏe yếu đi rất nhiều nên ba ở nhà nhiều hơn, mẹ đi làm nhiều hơn.

Đến năm 2012, em nhập học ở Trường CĐ Kinh tế Đối ngoại TP.HCM. Lúc này, chị hai đã ra trường vừa lo cho em vừa lo trả nợ vay sinh viên. Trong thời gian này ba bắt đầu phát bệnh, nhưng mãi đến năm 2013 ba mới trực tiếp vào khám chữa bệnh tại Bệnh viện Phong - da liễu Trung ương Quy Hòa và biết được mình bị “xơ cứng bì toàn thể tiến triển”. Vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên việc điều trị nội trú là tốn kém. Do vậy ba không điều trị dài hạn ở bệnh viện mà quay về nhà tiếp tục làm việc lo cho gia đình”.

Ba mất, một mình Sơn lại ngược xuôi lo hoàn tất các thủ tục, giấy tờ và vay mượn tiền để trả viện phí. Cậu cho biết sẽ tiếp tục vào TP.HCM học năm cuối, tốt nghiệp rồi tìm việc làm tốt để phụ mẹ lo cho em. Sơn tâm sự: “Em cố nán lại ở với mẹ thêm vài ngày nữa để mẹ bớt buồn. Ba mất rồi nhưng em sẽ cố gắng để không phụ lòng của ba mẹ”.

Tâm Ngọc 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.