Ở xã Phong Chương, huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế mỗi khi xuân về, trai tráng trong làng sau một năm đi làm ăn xa lại tụ họp nhau trên sân cỏ.
Đa số các cầu thủ làng thanh niên trai tráng trong các làng đều đi làm ăn xa. Mỗi dịp tết đến, họ mới có cơ hội gặp nhau. Tuy nhiên, hình thức sum vầy của họ không phải trên bàn nhậu mà là trên sân cỏ. Theo họ, đá bóng không chỉ là cơ hội giao lưu mà còn để cho cả năm có sức khỏe.
“Đối với chúng tôi, đá bóng không còn là một môn thể thao đơn thuần mà là truyền thống của làng. Bọn tôi mỗi đứa mỗi phương, tết mới gặp nhau và sân bóng làng là điểm hẹn lý tưởng”, anh Tùng, một thanh niên đi làm ăn ở Đồng Nai cho biết.
|
Trên sân, cầu thủ hăng say tranh bóng mồ hôi như tắm. Ngoài sân, mọi người reo hò trong tiếng vỗ tay và tiếng mưa. Không khí náo nhiệt đó như xua đi cái rét thấu xương thịt của tiết trời Huế.
Đây là hoạt động tự phát, thanh niên các làng trong xã tự tổ chức đá với nhau. Tuy vậy, các trận đều thu hút khán giả đội mưa đến cổ vũ. Ông Lê Khủy, Trưởng làng Mỹ Phú tâm đắc: “Tuy giải thưởng chỉ là một bữa ăn uống với nhau nhưng nhờ đó mà thanh niên mới có cơ hội giao lưu và rèn luyện sức khỏe đầu năm, tránh đi bớt các tệ nạn đỏ đen”.
Các đội bóng trong làng được chia ra theo đội và có đồng phục riêng. Sân bóng của làng sau những ngày mưa gió triền miên trở nên lầy lội. Cầu thủ đá bóng mà như trượt băng, bao nhiêu trận cười vỡ bụng vì những cú ngã ngớ ngẩn của cầu thủ.
Chị Thanh Tuyền, người trong làng vừa xem vừa nói: “Trời lạnh nhưng cổ vũ chút là nóng liền. Lạnh như ri, không có đá bóng thì cũng chẳng ai đi mô cả”.
Cứ đầu xuân là thanh niên các làng lại tổ chức đá giao hữu, như một cơ hội để giao lưu và rèn luyện sức khỏe. Không khí rộn ràng xua tan sự vắng vẻ của làng quê.
Tuyết Khoa
Bình luận (0)