Vào cuối tháng 9 vừa qua, cơn bão số 4 đã cuốn trôi 2 cây cầu treo ở xã Đăk Psi (H.Đăk Hà, Kon Tum). Trong đó cây cầu Đăk Kơ Đương bị hư hỏng hoàn toàn không thể khắc phục. Còn cây cầu treo Krông Đuân, nước lũ chỉ cuốn trôi phần lớn ván cầu, riêng 2 sợi cáp treo vẫn còn nên có thể khắc phục được.
Cầu treo Krông Đuân bị nước lũ tàn phá |
N.X |
Cầu trôi khiến hàng trăm học sinh chật vật đến lớp. Do phải đi học xa, nhiều phụ huynh đành gửi con ở nhà họ hàng, người thân phía bên này sông để tiện đi học, cuối tuần sẽ đón con về nhà. Bên cạnh đó, có nhiều học sinh do phải đi học xa nên gia đình phải chuẩn bị cơm cho con ăn buổi trưa tại trường.
Giáo viên Trường tiểu học Tô Vĩnh Diện tham gia sửa cây cầu cho học sinh đi lại |
N.X |
Thương học trò, các giáo viên Trường tiểu học Tô Vĩnh Diện đã kêu gọi quyên góp, hỗ trợ làm cầu. Hưởng ứng lời kêu gọi, một số nhà hảo tâm tại TP.Kon Tum đã hỗ trợ nguyên vật liệu với chi phí khoảng 34 triệu đồng để sửa chữa lại cây cầu Krông Đuân. Nhận được hỗ trợ, nhiều giáo viên đã cùng phụ huynh học sinh cùng chung tay, góp sức sửa cầu cho con em đi lại.
Người dân góp công dựng lại cây cầu |
N.X |
Nhà ông A Kiêm Kỳ (ở thôn Krông Đuân) ở bên kia sông Đăk Psi, cách trường học 3 km. Hằng ngày, con gái ông đều phải sang bên này sông để tới lớp. Từ ngày cây cầu Krông Đuân bị nước lũ cuốn trôi, con gái ông Kỳ đi đường vòng đến trường xa thêm 4 km.
Giáo viên cùng phụ huynh làm cầu Krông Đuân nối hai bờ sông Đăk Psi |
N.X |
“Được nhà hảo tâm hỗ trợ vật liệu sửa chữa cây cầu, bà con ai nấy đều vui mừng. Mấy bữa này mình nghỉ lên rẫy, ở nhà dựng lại cây cầu cho con em tới lớp. Làng mình cảm ơn nhà trường đã kêu gọi, cảm ơn nhà hảo tâm đã đầu tư kinh phí sửa chữa cây cầu”, ông Kỳ nói.
Cô Nguyễn Thị Tuyết Mai, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tô Vĩnh Diện, cho hay, nhờ các nhà hảo tâm nên người dân và học sinh có cây cầu mới để đi lại. Mọi người đều rất vui mừng và phấn khởi.
Học sinh vui mừng, phấn khởi đi trên cây cầu mới. |
N.X |
“4 giáo viên của trường cùng hơn 20 phụ huynh đã góp công sức sửa chữa cây cầu. Tuy hơi vất vả, nhưng ai nấy đều rất vui vì không còn phải đi đường vòng để lên rẫy hoặc đưa con đến trường. Gần 100 học sinh của trường giờ đây có thể chủ động đến lớp học chữ mà không cần ở nhờ nhà người quen. Hy vọng các năm sau cây cầu không còn bị lũ cuốn để học sinh yên tâm học tập”, cô Tuyết Mai nói.
Bình luận (0)