Cấu trúc và uy lực của nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ thăm Việt Nam

Văn Khoa
Văn Khoa
07/03/2020 08:00 GMT+7

Tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt có thể là hàng không mẫu hạm được bảo vệ tốt nhất trong lịch sử, với tổng cộng 6 tàu hộ tống có thể mang theo hơn 500 tên lửa và gần 50 chiến đấu cơ.

Cấu trúc cơ bản của một nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ

Hải quân Mỹ/Hoàng Đình

Sáng 5.3, tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt (CVN-71) cùng tuần dương hạm USS Bunker Hill đã vào vịnh Đà Nẵng, nhân kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mỹ.

Chuyến thăm của tàu USS Theodore Roosevelt đánh dấu lần thứ 2 trong vòng 4 thập niên, một hàng không mẫu hạm Mỹ thăm Việt Nam. Hồi năm 2018, tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN-70) đã thăm Đà Nẵng.
Lần thăm Đà Nẵng này nằm trong chuyến hoạt động tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Nhóm tác chiến tàu sân bay 9 của Mỹ do hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt dẫn đầu. Nhóm tàu này được triển khai từ thành phố San Diego thuộc bang California hôm 17.1, gồm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, tuần dương hạm USS Bunker Hill (CG-52) và 5 khu trục hạm USS Russel (DDG-59), USS Paul Hamilton (DDG-60), USS Pinckney (DDG-91), USS Kidd (DDG-100), USS Rafael Peralta (DDG-115).

[VIDEO] Uy lực nhóm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ

Một nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ thông thường gồm có một hàng không mẫu hạm, một tuần dương dương hạm và 2 hoặc 3 tàu khu trục. Trong đó, tuần dương hạm đóng vai trò hỗ trợ chính, điều phối việc bảo vệ tàu sân bay, đặc biệt là chống lại các mối đe dọa từ trên không.
Ngoài ra có thể còn có một tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân hoạt động gần đó để bảo vệ phần còn lại của nhóm tác chiến tàu sân bay từ các mối đe dọa dưới biển. Do đó, với tổng cộng 6 tàu hộ tống, hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt có thể là tàu sân bay được bảo vệ tốt nhất trong lịch sử, theo chuyên trang Popular Mechanics.

Chiến đấu cơ F/A-18E bay trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN 71) ở vịnh Đà Nẵng ngày 3.5

Độc Lập

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt

USS Theodore Roosevelt là chiếc tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Nimitz thứ 4 của hải quân Mỹ, được đưa vào biên chế năm 1986. Tàu có chiều dài 332,8 m, độ choán nước toàn tải hơn 117.000 tấn, vận tốc tối đa hơn 56 km/giờ và thủy thủ đoàn hơn 5.000 người.
Tàu được trang bị nhiều loại radar, trong đó có radar phát hiện mục tiêu AN/SPQ-9B và radar kiểm soát không lưu AN/SPN-43C; hệ thống vũ khí chống tên lửa, máy bay tầm ngắn Sea Sparrow, hệ thống tên lửa đối không RIM-116 và hệ thống pháo cận chiến Phalanx.

Tuần dương hạm USS Bunker Hill

Tuần dương hạm USS Bunker Hill, được đưa vào biên chế  năm 1986, dài 173 m, có độ choán nước toàn tải 9.800 tấn, vận tốc tối đa 60km/giờ và tầm hoạt động 11.000 km. Tàu có thể chở theo khoảng 330 thành viên thủy thủ đoàn và 2 trực thăng đa nhiệm Sikorsky SH-60B hoặc MH-60R Seahawk.

Tuần dương hạm USS Bunker Hill ở vịnh Đà Nẵng ngày 5.3

Độc Lập

Tàu Bunker Hill được trang bị hệ thống tác chiến Aegis, gồm radar phòng không SPY-1 có khả năng bảo vệ 360 độ và tầm hoạt động hơn 185 km. Ngoài ra, tàu còn được trang bị 2 hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng (VLS). Mỗi VLS có 61 ống phóng, là một hầm tên lửa bọc thép, có thể chứa tên lửa đối không tầm trung SM-2, tên lửa chống hạm SM-6, tên lửa hành trình Tomahawk hoặc ngư lôi chống tàu ngầm.

5 khu trục hạm lớp Arleigh Burke

Tất cả 5 khu trục hạm hộ tống tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đều thuộc lớp Arleigh Burke, gồm USS Russel (DDG-59), USS Paul Hamilton (DDG-60), USS Pinckney (DDG-91), USS Kidd (DDG-100), USS Rafael Peralta (DDG-115). Mỗi tàu này được trang bị 90-96 ống phóng tên lửa thẳng đứng và 5 tàu có tổng cộng 468 ống phóng.

Khu trục hạm USS Russell

Hải quân Mỹ

Khu trục hạm USS Paul Hamilton

Hải quân Mỹ

Tàu khu trục lớp Arleigh Burke, được đưa vào biên chế từ năm 1991, có chiều dài 154-155 m, độ choán nước từ 8.300-9.800 tấn, vận tốc tối đa hơn 56 km/giờ, và tầm hoạt động tối đa 8.100 km và hơn 300 thành viên thủy thủ đoàn.
Tàu lớp Arleigh Burke được thiết kế để thực hiện cuộc tấn công trên bộ mang tính chiến lược với tên lửa Tomahawk; tác chiến phòng không với hệ thống radar thuộc Aegis và tên lửa đối không; và tác chiến chống tàu chiến nổi với tên lửa chống hạm Harpoon.

Khu trục hạm USS Pinckney

Hải quân Mỹ

Khu trục hạm USS Kidd

Hải quân Mỹ

Khu trục hạm USS Rafael Peralta

Hải quân Mỹ

Ngoài 6 tàu hộ tống, USS Theodore Roosevelt còn có phi đội hùng hậu với 44 chiến đấu cơ F/A-18E/F, 5 máy bay tấn công điện tử EA-18G, 4 máy bay cảnh báo sớm E-2C/E-2D, 2 máy bay vận tải C-2A Greyhound và 19 trực thăng đa nhiệm.
Nói cách khác, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt có tổng cộng 49 chiến đấu cơ và 590 ống phóng thẳng đứng, với mỗi ống phóng chứa 1-2 tên lửa, tạo nên hỏa lực khổng lồ, tương đương với hỏa lực của một nước nhỏ. Điều này làm cho tàu sân bay USS Theodore Roosevelt trở thành một trong những tàu được bảo vệ tốt nhất trên thế giới, nhưng cũng biến tàu trở thành mục tiêu lớn nhất bị nhắm tới, theo Popular Mechanics
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.