Cây rơm tuổi thơ

15/11/2020 11:00 GMT+7

Chuyện làm ruộng, chuyện nuôi bò của mỗi nhà và chuyện cây rơm thì nhà nông nào ở miền Trung cũng thường có, có sẵn như một lẽ đương nhiên.

Xưa, cái chuyện đó chẳng ai suy nghĩ gì bởi nó gắn với đời sống thường ngày. Mà cũng lạ, sau này tôi mới chợt nghĩ, có lẽ miền Trung của Việt Nam là nơi nuôi bò nhiều nhất nước, dù chưa biết có thống kê nào đầy đủ không. Nuôi bò nên dự trữ thức ăn, đặc biệt là cây rơm của mỗi nhà là nguồn dự trữ và gắn với việc mỗi ngày của người dân từ già đến trẻ ở miền Trung. Tôi lớn lên với tuổi thơ miền Trung có cây rơm như vậy.
Để có cây rơm, tất nhiên phải có lúa. Thời chưa có máy tuốt/suốt lúa của hợp tác xã, gặt lúa về, chất trong sân cho trâu hoặc bò đi trong sân đạp. Thân cây lúa phơi khô dọc trong sân, dọc đường hoặc trong vườn vạt đồi hay vắt vẻo trên hàng rào... miễn chỗ nào có nắng. Phơi và lật trở rơm từ cây chạc hai ngàm nhìn tưởng như đơn giản nhưng cũng khó cho người chưa quen với những động tác nhũi, chùi, hất, lật để rơm khô đều. Trồng cây rơm cũng vui với việc trụ cây, chất rơm từ gốc lên cao dần đòi hỏi kinh nghiệm không thì cây rơm đổ, tụt là chuyện bình thường, tốn công tốn sức. Khi cây rơm cao dần, người rải rơm đi vòng tròn trên đó cho đến ngọn, những sợi rơm khô được đan vào nhau, được dậm chặt trong tâm trụ và thoải, choài ra ngoài để sau này khi cần rút dễ dàng. Ngọn rơm được bó chùm, có tấm bạt hay lá cây che chắn khi mưa sẽ không thấm vào trong, gây mục trụ và mủn rơm.
Việc thường này của nhà có rơm là rút rơm cho bò ăn những ngày không chăn thả hay buổi tối khi bò đã về chuồng. Rút rơm từ dưới gốc lên dần, tạo phần trống phía dưới gốc trống dần đều. Trâu và bò trong chuồng cứ nhởn nhơ nhai rơm còn người thì cứ tỉ mẫn mà làm. Tuổi thơ trong làng của bọn trẻ gắn với cây rơm không chỉ việc nhẹ nhàng như thế mà cả những đêm trăng sáng, tụ tập, chơi với nhau bằng những trò quê: trốn tìm, bắn súng, và thi nhau phi thân trèo cây rơm tuột xuống... Khi bắn súng với cách gọi tên, chỉ vị trí, cây rơm là chỗ núp ví như “công sự” phòng thủ. Cùng nhau chơi trốn tìm thì nằm trong hốc rơm, thậm chí chui vào trong khoảng trống, kéo rơm phủ lên ngụy trang...
Cây rơm bị rút nhiều tạo nên khoảng trống lớn, có thể ngồi tránh nắng khi mùa hè nóng nực hắt vào hoặc trú ấm lúc gió lạnh mùa đông thổi về. Những buổi trưa hoặc thời gian rảnh, tùy thời tùy lúc, bạn dễ dàng bắt gặp những con người của miền quê ngồi quây quần dưới gốc cây, bóng cây rơm trò chuyện vui vẻ hoặc bữa ăn vội, “giữa buổi” khi làm vườn. Một vài tấm là chuối khô hoặc vài nắm rơm rút vội rồi “quầy ra” tạo một chỗ nằm nghỉ ngơi thoải mái nhìn trời cao... Tôi chưa từng chứng kiến nhưng đã nghe nhiều câu chuyện về những người đàn ông trong làng nhiều lúc nhậu say về, chả thèm vào nhà, ra gốc rơm nằm ngủ. Sáng dậy, vẫn khỏe re mà bây giờ có thể nói hài hước theo kiểu nghỉ ngơi “sinh thái, khách sạn ngàn sao”.
Tôi đã xa quê và đã lớn, cây rơm xưa chỉ còn là những ký ức của một thời tuổi thơ. Nhiều hình ảnh thân thương của làng quê đọng lại trong đó có cây rơm của nhà mình cạnh chuồng bò, góc vườn. Những chuyến đi trên tàu lửa hoặc xe đò qua những miền quê, tôi hay nhìn để tìm hình ảnh cây rơm. Những lần về quê, ghé thăm người thân, tôi nhìn cây rơm đó để nhớ một thời. Trí nhớ lục lại những hình ảnh của “thằng này thằng nọ, con này con kia” trong xóm một thuở với nhau “khi xưa ta bé ta chơi” mà giờ đây “đầu đã hai thứ tóc”, lên “chức ông, chức bà”.
Làng quê giờ cũng đã nhiều đổi thay. Nhiều nơi “làng đã lên phố” nên nuôi bò ít dần. Ruộng đất ít nhưng những người dân; đặc biệt những người lớn tuổi vẫn “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” trên những cánh đồng. Dù thưa dần, nhưng con trâu, con bò vẫn là hình ảnh thâm quen của làng quê miền Trung và cả cây rơm thân thuộc bên cạnh nếp nhà.
Chuyến về quê gần nhất, tôi vội đến và cũng vội đi. Quê nhà với muôn điều đáng nhớ, kỷ niệm của một thuở tuổi “trẻ trâu” vẫn cứ còn đó hình ảnh cây rơm xưa quá đỗi gần gụi đến độ “có gì đâu mà nhớ” thì nay lại trào dâng những cảm xúc bởi tình cảnh người quê trở về nơi “chôn nhau cắt rún”. Tôi chợt nhớ đến câu thơ của thi sĩ Chế Lan Viên “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn” bởi những hình ảnh, những điều dung dị nhất. Chắc hẳn, nhà thơ đã nói hộ cho những người xa quê, nỗi nhớ và ký ức của mỗi người khác nhau nhưng tình quê của miền Trung trong tôi vẫn được trân trọng từ hình ảnh cây rơm thân thuộc một thời.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.