Nói với những người Viettel là chủ đề cuối trong bài phát biểu của vị tổng giám đốc. Ông Nguyễn Mạnh Hùng muốn nói với họ về “những gì sẽ diễn ra trong 5 năm, 10 năm tới và xa hơn nữa” bởi “chúng ta đang sống trong một thời đại của những thay đổi lớn lao”.
Theo CEO Viettel, sự thay đổi ấy sẽ mở ra những cơ hội mới hoặc làm trầm trọng hơn những vấn đề đang tồn tại hiện nay. Và dù chúng ta có muốn hay không thì sự thay đổi ấy vẫn sẽ diễn ra với tốc độ rất nhanh.
Vị lãnh đạo này cảnh báo: “Ở ngoài kia, với một tài khoản internet, một tấm thẻ ngân hàng, họ lập tức trở thành một doanh nghiệp cạnh tranh trực tiếp với chúng ta. Doanh nghiệp 1 người, với khát vọng lớn lao, với cái thế không có gì để mất, với sự đam mê cháy bỏng - họ là đối thủ của Viettel 50.000 người”.
Khi nói về sự thay đổi, ông Hùng đặt câu hỏi: người Viettel sẽ đối mặt với nó cùng nỗi sợ hãi “để rồi có thể bị biến mất, hay sẽ hướng tới tương lai với sự tự tin vào chính mình, tự tin vào những giá trị mà chúng ta đấu tranh để gìn giữ, và tự tin vào những điều phi thường mà chúng ta - những con người bình thường, vì có đam mê, có khát vọng đã có thể làm được cùng nhau”.
CEO Viettel khẳng định: “Không dám thay đổi, đó chính là khước từ cơ hội của chính mình” và khuyến khích người Viettel “thoát ra khỏi những khuôn mẫu cũ”, “làm một điều gì đó khác biệt”. Ông nhận xét: “Trong khó khăn luôn luôn có cơ hội. Và vì chúng ta nhận ra cơ hội khi người khác chỉ thấy được rủi ro nên chúng ta luôn vươn lên mạnh mẽ và phát triển hơn trước”.
Chia sẻ về tương lai của Viettel, ông Hùng nói về việc Viettel phải trở thành một doanh nghiệp phát triển công nghệ cao, sản xuất được thiết bị viễn thông và trở thành một tập đoàn công nghệ viễn thông thế hệ mới. Trong đó, tập đoàn này phát triển được các công cụ bảo vệ được mạng lưới, bảo vệ các khách hàng trên không gian mạng. Tiến xa hơn, Viettel sẽ giúp tất cả các quốc gia mà công ty này đầu tư có thể bảo vệ không gian mạng của mình.
Về quy mô, “gia đình Viettel toàn cầu không phải chỉ 11 nước như hôm nay mà sẽ là 20 - 30 - 40 nước với dân số hàng tỉ người. Viettel phải trở thành một tập đoàn toàn cầu, nằm trong top 20 doanh nghiệp viễn thông lớn nhất thế giới, top 10 doanh nghiệp viễn thông đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới”, người đứng đầu tập đoàn cho biết, đây là kế hoạch thực tế chứ không còn là giấc mơ nữa.
Chiến dịch xây dựng thương hiệu: Tại Burundi, Viettel vươn lên vị trí số 1 về viễn thông chỉ trong 6 tháng kể từ ngày chính thức hoạt động và kinh doanh có lãi ngay sau tháng đầu tiên
|
Và kế hoạch thực tế này được ông Hùng mô tả cụ thể hơn với mục tiêu tiếp theo: Mỗi người dân tại tất cả các thị trường của Viettel sẽ có một chiếc điện thoại di động thông minh. Đó sẽ không chỉ là phương tiện kết nối mà còn là công cụ để người dân giải trí, học tập và kiếm sống.
CEO Viettel cũng nhắn nhủ: “Chúng ta không ảo tưởng về nhiệm vụ phía trước của mình” bởi “không điều nào trong số này là dễ dàng”; nhưng “không điều gì có giá trị trong cuộc sống lại dễ dàng cả”.
Nói về Viettel, ông Hùng mong muốn đó là một doanh nghiệp mà ở đó ai cũng có thể nói: “Tôi là một nhân viên bình thường, tôi có thể chưa làm những việc to lớn nhưng tôi làm những việc nhỏ với tình yêu lớn. Tôi có thể không làm những công việc mới nhưng tôi làm những việc đã cũ bằng những cách mới, với một tình yêu không bao giờ cũ…” và “Đó là nơi những khát vọng chưa bao giờ ngừng lại”.
Vị CEO này tuyên bố: “Tại Viettel, sự đổi mới sáng tạo không chỉ làm nên cuộc sống của chúng ta, mà đó còn là cách chúng ta làm nên cuộc sống. Tôi vẫn tin rằng chúng ta có thể cùng nhau làm thêm những điều tuyệt vời trong 10 năm tới. Nếu chúng ta cùng nhau mang đến những điều tốt đẹp cho đất nước và dân tộc ở tất cả những nơi mà chúng ta có mặt thì chắc chắn chúng ta sẽ làm được một điều gì đó xứng đáng được nhớ mãi”.
Bình luận (0)