'Cha, mẹ' ở trường

13/10/2018 18:06 GMT+7

Khi ở nội trú, tất cả hoạt động của học sinh (ngay cả việc gấp mền, lau nhà, vệ sinh cá nhân...) hầu như đều được giáo viên quản nhiệm giám sát và chỉ dạy để học sinh vào nếp.

Không ít học sinh khi ở nhà chưa từng phụ việc gia đình nhưng sau một thời gian vào nội trú đã biết tự giặt quần áo, lau chùi nhà cửa...
Dạy ăn dạy nói, dạy gói dạy mở
Mình là thầy, học trò nhờ, dù không biết cũng phải cố tìm cách làm.
Huống chi đấy lại là kỷ vật của mẹ Nguyên để lại. Ban ngày trăm công nghìn việc, phải đến đêm, tôi mới có thời gian lấy kim chỉ ra khâu. Lúc đó Nguyên nhìn thấy nên từ một đứa ngông cuồng, sau đó đi đâu thấy thầy cũng biết cúi đầu chào, có đồ ăn biết mang đến mời thầy trước
Thầy Kiều Văn Kiều
Tờ mờ sáng, một hồi chuông báo thức kiểu ở doanh trại dội vào tai khiến học sinh khu nội trú nhanh chóng bật dậy. Vẫn còn ngái ngủ, tôi ngó đồng hồ: mới 5 giờ 30. Nhìn quanh, hầu hết học sinh đã bắt đầu gấp chăn, mền. Một số em đã bắt đầu công việc vệ sinh nội vụ như: quét, lau nhà, thu dọn đồ đạc…
Ở nội trú hầu hết các hoạt động của học sinh được duy trì bằng những quy định. Việc vệ sinh nội vụ và vệ sinh cá nhân đều đã được phân công từ trước. Vì là học sinh mới nên Khánh Linh còn khá lọng cọng trong sinh hoạt chung, vệ sinh cá nhân cũng chưa được gọn gàng. Trong lúc các bạn khác đã xong xuôi thì Linh bị cô P.T.Tuyền (giáo viên quản nhiệm) “triệu tập” mang mền xuống nền nhà tập gấp: “Cầm 2 góc kia lên, giũ mạnh ra mới thẳng được. Vẫn chưa vuông. Làm lại”, cứ gấp vào rồi lại giũ ra nhiều lần như vậy Linh đã học được cách gấp mền thẳng thớm. Việc này lúc ở nhà chắc cô bé chưa từng làm được vì nhìn cái giường nhỏ xíu, bừa bộn của Linh mấy ngày qua là đủ biết.
Dạy Linh cách gấp mền xong, cô P.T.Tuyền còn dặn em xếp gọn đồ đạc, và không được quên nhận lịch tham gia vệ sinh chung. Linh cũng như hầu hết những học sinh ở đây, khi mới vào còn lóng ngóng, vụng về nhưng sau một thời gian ngắn, các em đều học được những điều cơ bản để tự chăm lo bản thân. Bằng chứng là căn phòng rộng có 12 nữ sinh nhưng luôn sạch sẽ. Công việc nội vụ, xách nước, lau nhà cũng được học sinh tự phân công, chia lịch rõ ràng.
Việc dạy học sinh trong các công việc thường ngày không chỉ được nhắc đi nhắc lại trong các buổi họp phòng mà Đ.T.T.Hoa (giáo viên quản nhiệm có thâm niên 16 tháng) còn tranh thủ phổ biến trong lúc ăn cơm. Dẫn tôi tới bàn đã có 6 học sinh ngồi trước, Hoa nói: “Theo quy định, giáo viên quản nhiệm có thể ngồi ăn ở bàn dành cho giáo viên. Tuy nhiên em thích ngồi bàn này”. Tiếp đó, Hoa giới thiệu tôi với học sinh và đọc tên từng em trong bàn: “Đây là Quang Anh, đây là Phúc béo, đây là Hoàng… Bàn này tập trung đủ lứa tuổi, nhỏ nhất trường có, học sinh mới có…”.
Rồi Hoa hướng dẫn học sinh mời người lớn trước khi ăn cơm. Trong lúc ăn, Hoa không quên khen cô bé tên P.T.Ngọc ngoan nhất trường. Ngọc biết tự giác lấy cơm, canh cho cả bàn và luôn bênh vực các em nhỏ tuổi. Cô Hoa khen Ngọc như vậy cũng là cách để động viên, khuyến khích em và những học sinh khác.
Giờ ăn của học sinh nội trú tại trường Ảnh: Lam Ngọc

Trắng đêm ở bệnh viện với học trò
Quản nhiệm là nghề chẳng phân biệt ngày đêm, khi ngủ hay thức, bất kỳ khi nào học trò có chuyện phải giải quyết ngay.
Gần 10 năm làm quản nhiệm nội trú ở nhiều trường, thầy Kiều Văn Kiều đã từng đối mặt với biết bao “ca khó”. Khi còn là giáo viên quản nhiệm nội trú tại Trường V.M (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) thầy ở chung phòng với 4 học trò. Một lần bé Phi Vẹn (học sinh lớp 4, người Úc gốc Việt) bị đau ruột thừa lúc 1 giờ sáng khiến thầy lo sốt vó, vội cõng Vẹn chạy. “Người nhà lên không kịp, tôi trắng đêm canh ở bệnh viện, đến 6 giờ sáng hôm sau có giáo viên khác thay tôi mới vội về nhà tắm rửa để kịp lên lớp”, thầy kể.
Lúc mới làm quản nhiệm ở Trường THPT Đ.D.A (Q.Tân Phú, TP.HCM) thầy Kiều thường xuyên bị học trò “hành”. Thầy kể, một lần T.V.B.Nguyên (học sinh lớp 10) nhờ thầy khâu giúp cái áo bị mất mấy nút và một vết rách. Nguyên nói đấy là cái áo mẹ em tặng sinh nhật trước khi mất nên em rất quý.
“Mình là thầy, học trò nhờ, dù không biết cũng phải cố tìm cách làm. Huống chi đấy lại là kỷ vật của mẹ Nguyên để lại. Ban ngày trăm công nghìn việc, phải đến đêm, tôi mới có thời gian lấy kim chỉ ra khâu. Lúc đó Nguyên nhìn thấy nên từ một đứa ngông cuồng, sau đó đi đâu thấy thầy cũng biết cúi đầu chào, có đồ ăn biết mang đến mời thầy trước”, thầy Kiều nhớ lại.
Mãi tới khi sắp rời trường thầy Kiều mới biết sự thật về cái áo rách. “Lúc tôi sắp đi, Nguyên viết cho tôi bức thư kể chuyện ngày xưa thử tôi. Cái áo không phải kỷ vật, mấy cái nút áo và vết rách do em tự cắt. Nguyên nghĩ tôi cũng giống những người khác sẽ nói em tự may rồi lấy cớ đó để mượn cây kim để xăm hình. Ai ngờ ông thầy thật thà tin và làm thật, lại làm trong đêm rất có tâm khiến em xúc động. Từ đó Nguyên thương tôi. Em hỏi tôi chuyển đi trường nào để xin ba chuyển theo”, trong mắt thầy Kiều ánh lên một nụ cười.
Giống thầy Kiều, cô Hoa cũng từng trắng đêm ở bệnh viện khi học trò bị đau. Một tay cô phải lo thủ tục nhập viện, đợi tới 10 giờ sáng hôm sau khi phụ huynh lên tới, mới bàn giao để về trường.
Khi nghe tin tôi vào làm, cô Hoa vừa mừng vì có đồng nghiệp mới nhưng cũng thương vì sắp có người cũng giống mình, 24/24 giờ đều dành hết cho học trò.
“Chị muốn đi đâu phải xin phép, mà có việc quan trọng mới được đi. Khi đi cũng phải sắp người trực thế. Khi người khác có việc gấp mình phải trực thay”, cô Hoa nói.
Cảm hóa học trò bằng tình thương
Thầy Kiều nhận định: “Những đứa trẻ ở nội trú thường là con nhà có điều kiện kinh tế nhưng thiếu thốn tình cảm và cần sự quan tâm. Những em này tuy nghịch ngợm nhưng lại rất thông minh. Nó yêu ghét rõ ràng nên nếu chỉ chửi mắng, đánh đập sẽ khiến nó bất mãn, bằng mặt mà chẳng bằng lòng. Mình phải cảm hóa bằng tình thương và sự ngọt ngào”.

(còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.