Chấm dứt cảnh xếp hàng chờ khám bệnh

02/10/2015 04:50 GMT+7

Phải đến bệnh viện lúc 3, 4 giờ sáng để lấy số thứ tự, rồi xếp hàng nhiều giờ liền chờ đến lượt mình... Đó là thực trạng mà nhiều người bệnh đang phải đối mặt ở các bệnh viện.

Phải đến bệnh viện lúc 3, 4 giờ sáng để lấy số thứ tự, rồi xếp hàng nhiều giờ liền chờ đến lượt mình... Đó là thực trạng mà nhiều người bệnh đang phải đối mặt ở các bệnh viện.

Nguyễn Khoa Tuấn Anh - Ảnh: Lê ThanhNguyễn Khoa Tuấn Anh - Ảnh: Lê Thanh
Thấu hiểu nỗi nhọc nhằn ấy, Nguyễn Khoa Tuấn Anh, cựu sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, đã nghiên cứu thành công ứng dụng “Hệ thống xếp hàng khám bệnh thông minh” chấm dứt cảnh chờ đợi mỏi mòn của bệnh nhân.
Đặt khám bệnh qua tin nhắn
Ứng dụng vừa đoạt giải nhất tại cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp toàn quốc năm 2015 do Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TP.HCM và Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM tổ chức.
Theo Tuấn Anh, tình trạng quá tải, chen lấn ở các bệnh viện từ lâu đã trở thành nỗi bức xúc của xã hội. Rất nhiều giải pháp dài hạn được ngành y tế đưa ra như: xây dựng thêm bệnh viện, mở rộng mạng lưới bệnh viện vệ tinh, điều bác sĩ tuyến trên về tuyến dưới làm việc... Tuy nhiên, phần lớn những giải pháp trên đòi hỏi nguồn vốn ngân sách rất lớn và mất nhiều thời gian để thực hiện.
Tuấn Anh cho biết: “Ý tưởng xuất phát từ thực tế của chính bản thân và người thân trong gia đình mỗi lần đi khám bệnh tại một số bệnh viện phải đến rất sớm để lấy số thứ tự. Còn bệnh nhân ở các tỉnh về TP.HCM phải tranh thủ đến bệnh viện lúc 3, 4 giờ sáng, nằm vật vã nhiều giờ liền chờ khám bệnh. Điều này đã làm cho bệnh nhân rất mệt mỏi, bệnh nhẹ trở nên bệnh nặng và điều quan trọng là mất quá nhiều thời gian của họ. Vậy làm sao để chấm dứt tình trạng này?”.
Câu hỏi được anh đặt ra và cũng chính anh đi tìm giải pháp để tháo gỡ thực trạng này. Sau 19 tháng nghiên cứu và thử đi thử lại nhiều lần, ứng dụng phần mềm “Hệ thống xếp hàng khám bệnh thông minh” đã thành công.
Theo đó, bệnh nhân chỉ cần truy cập vào www.laysokhambenh.vn hoặc nhắn tin, gọi điện vào đầu số: 19001000 (1.000 đồng/tin nhắn, chỉ bằng phí gửi một chiếc xe đạp) để đặt lịch khám bệnh. Ngay lập tức hệ thống tự động sẽ phản hồi cấp cho bệnh nhân một số thứ tự, số khoa, phòng để người bệnh có thể theo dõi số từ xa qua tin nhắn.
Đặc biệt, khi còn 5 bệnh nhân nữa là đến số của mình, hệ thống tự động sẽ gửi đến bạn một tin nhắn nhắc nhở để chủ động thời gian. “Với giải pháp này, thời gian chờ đợi của bệnh nhân tại bệnh viện không còn. Hơn nữa, nó sẽ giải quyết bài toán chấm dứt số bệnh nhân nằm vật vạ ở bệnh viện, tránh lãng phí thời gian chờ khám”, Tuấn Anh chia sẻ.
Theo khảo sát của Tuấn Anh, đối với bệnh viện tuyến tỉnh trung bình mỗi ngày có khoảng 2.000 lượt bệnh nhân đến khám. Còn một số bệnh viện lớn tại TP.HCM trung bình mỗi ngày có từ 4.000 đến 5.000 người đến khám bệnh. Tuấn Anh nhẩm tính: “Giả sử mỗi người phí thời gian chờ đợi 1 giờ, đối với một bệnh viện có 5.000 lượt bệnh nhân/ngày thì lãng phí 5.000 giờ/ngày/bệnh viện. Đó là chưa kể do số lượng bệnh nhân quá tải dễ phát sinh tình trạng chen lấn, mất an ninh trật tự, bị cò mồi, móc túi”…
Theo Tuấn Anh, tính ưu việt của ứng dụng này so với các ứng dụng hiện có trên thị trường: “Ít tốn kém, khám bệnh đại trà, giúp bệnh nhân theo dõi được số thứ tự đang khám là bao nhiêu và nhận được tin nhắn nhắc nhở sắp tới lượt khám bệnh”.
Để người dân được thụ hưởng nhiều hơn
Theo Tuấn Anh, mỗi bệnh viện có quy trình khám bệnh khác nhau, không nơi nào trùng khớp với nơi nào. Vì vậy, khi áp dụng giải pháp này tại bất cứ bệnh viện nào, anh phải đi khảo sát thực tế, tìm ra phương án khả thi nhất để tích hợp ứng dụng của mình vào bệnh viện mà không làm thay đổi quy trình hiện hữu của họ.
Tôi hỏi: “Làm sao phải tạo sự tương thích giữa việc đặt chỗ từ xa với quy trình khám bệnh thực tế tại bệnh viện?”. Tuấn Anh trả lời: “Đó là lúc bệnh viện gặp phải yêu cầu tái khám, chỉ định phòng, có số ưu tiên, lúc cần phải cho bệnh nhân chuyển phòng khám hoặc khi bệnh viện cần tăng cường phòng vì số lượng bệnh nhân tăng đột biến hay vì bác sĩ có việc đột xuất cần đóng một vài phòng khám trong cùng một khoa… Tất cả những yêu cầu ấy mình phải thỏa mãn cho bệnh viện”.
Tuấn Anh cũng cho biết thêm, lần đầu đưa ứng dụng ra thực tế, Tuấn Anh gặp phải những phản ứng rất dữ dội, đặc biệt là các chị lớn tuổi làm công việc cấp số thứ tự vì họ nghĩ không tiếp cận được với công nghệ. Tuy nhiên, chỉ sau một vài buổi tập huấn, những người làm công việc này đã nhận ra rằng chỉ cần một cái nhấp chuột, hệ thống sẽ hoàn toàn phân tải tự động tất cả. Cuối cùng, anh cũng thuyết phục được lãnh đạo một vài bệnh viện đồng ý cho thử nghiệm ứng dụng.
Hiện giải pháp này đã được áp dụng rất hiệu quả tại khu C, Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM; Bệnh viện T.Ư Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế); Bệnh viện Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa).
“Tôi đang liên hệ để đưa ứng dụng vào Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy. Từ nay đến năm 2017, sẽ triển khai ít nhất ở 20 bệnh viện và nếu được các bệnh viện ủng hộ, tôi mong muốn được triển khai ở khắp các bệnh viện cả nước để người dân được thụ hưởng nhiều hơn từ ứng dụng này”, Tuấn Anh kỳ vọng.
Ý KIẾN
Giải pháp độc đáo
Giải pháp có tiềm năng phát triển, sự dung hòa giữa yếu tố công nghệ - thị trường - lợi ích cộng đồng và khả năng tạo hiệu ứng rất tốt. Dự án có công nghệ vượt trội, độc đáo nhất trong cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp. Tôi rất mong những dự án khởi nghiệp của bạn trẻ VN sẽ được thị trường chấp nhận và tạo điều kiện để hoàn thiện và phát triển.
Trương Lý Hoàng Phi
(Giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TP.HCM)
Bệnh nhân chủ động về thời gian
Giải pháp này không những giúp bệnh nhân chủ động về thời gian mà còn giúp công nghệ hóa khâu tiếp nhận bệnh nhân, giảm tình trạng tập trung quá đông bệnh nhân tại bệnh viện vào đầu mỗi sáng. Tôi đang đặt hàng để áp dụng giải pháp này vào khu cận lâm sàng để hướng đến việc thông báo tự động kết quả xét nghiệm, siêu âm, X-quang...
Bác sĩ Nguyễn Hồng Quang
(Giám đốc Bệnh viện đa khoa Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa)
Thật sự hữu ích
Từ khi biết được ứng dụng thật sự hữu ích này, mỗi lần đưa con đi khám tại Bệnh viện Nhi đồng 2 tôi đều ứng dụng giải pháp này cho việc đăng ký khám bệnh từ xa. Nói chung ứng dụng rất đơn giản, tiện ích và đỡ tốn thời gian rất nhiều. Tôi mong các bệnh viện khác cũng sớm áp dụng giải pháp này để người bệnh được tiếp cận.
Nguyễn Duy Việt
(ngụ 86 Thích Quảng Đức, Q.Phú Nhuận, TP.HCM)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.