Chạm mặt thủ phạm

19/07/2011 00:53 GMT+7

Chúng tôi đã vào vai khách vay tiền để lần vào tận hang ổ những kẻ lừa đảo, qua đó hiểu rõ hơn cách “làm ăn” của những đối tượng này.

Nạn nhân hành động

Sau khi phát hiện mình bị lừa, vợ chồng anh Bành Nhĩ Hùng (31 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) đã gọi điện thoại cho “cò” tên Heo phàn nàn thì còn bị chửi: “Ai biểu ngu chi. Bút sa gà chết. Bây giờ thì chịu thôi”. Vợ chồng anh Hùng tức tối không biết làm gì nên mới nghĩ ra cách nhờ người thân đóng giả khách đến vay tiền, rồi gọi công an đến bắt.

 

Bà Hạnh đang lấy hợp đồng từ trong túi xách ra - Ảnh: G.Phương

Khoảng giữa tháng 6.2011, vợ chồng anh Hùng nhờ 2 người thân giả khách đi vay tiền. Vợ chồng anh Hùng gọi điện thoại cho “cò” tên Heo để hẹn với Hạnh làm việc. Như lần trước, Hạnh hẹn vợ chồng Hùng cùng 2 người thân cầm theo CMND, hộ khẩu đến quán cà phê Phương Lan một ở thị trấn Hóc Môn, H.Hóc Môn. Mọi người đến ngồi đợi 5 phút thì Hạnh cho người dẫn lên gác của quán cà phê. Lúc này, bên nhóm của Hạnh có tổng cộng 4 người gồm: Hạnh, Heo, 1 người đàn ông dáng hơi thấp, trắng và người phụ nữ không rõ lai lịch. Trước khi đến, vợ chồng anh Hùng đã gọi điện thoại báo cho Công an thị trấn Hóc Môn. 15 phút sau, trong lúc Hạnh làm thủ tục cho người thân của vợ chồng Hùng vay tiền thì công an ập vào bắt giữ. Tại đây, Hạnh lật lọng: “Tôi chỉ là người môi giới không biết gì cả. Anh Hùng nhận xe, bán cho ai rồi. Nếu muốn giải quyết hợp đồng của anh Hùng ký trước đó thì anh Hùng đưa xe, tôi sẽ trả lại 27 triệu đồng”. Nhưng thực tế, anh Hùng có nhận xe đâu mà đưa. Hai bên cự cãi với nhau trong vòng 1 giờ vẫn không giải quyết được nên công an đã mời vợ chồng anh Hùng cùng Hạnh, Heo về trụ sở công an thị trấn làm việc.

Công an lúng túng?

Tại đây, công an đã yêu cầu anh Hùng, Hạnh, Heo làm bản tường trình vụ việc; sau đó tiến hành lấy lời khai từng người. Thấy tình hình căng, Hạnh xuống nước thương lượng nếu vợ chồng anh Hùng trả lại 5 triệu thì sẽ có người đứng ra trả tiền thay, nhưng anh Hùng vẫn phải đứng tên người vay tiền. Vợ chồng anh Hùng chấp nhận phương án này nhưng nhờ công an xác nhận anh Hùng chỉ là người đứng tên giúp cho Hạnh chứ không nợ nần gì với Công ty TNHH một thành viên tài chính PPF Việt Nam. Tuy nhiên, phía công an từ chối làm giấy xác nhận. Thấy không được, Hạnh lại đưa ra phương án khác: Hạnh sẽ đứng ra đóng tiền hằng tháng cho anh Hùng nhưng khi PPF cho vay thêm 50 triệu đồng nữa thì anh Hùng có trách nhiệm lấy 50 triệu đồng này đưa cho Hạnh (!?). Thấy phương án này còn “lừa đảo” hơn, vợ chồng anh Hùng không đồng ý. Thương lượng bất thành, Hạnh gọi điện thoại cho người nhà mang đến trình công an giấy tờ anh Hùng bán xe cho Nguyễn Thị Lệ Thu vào ngày 14.6.2011 với giá 30 triệu đồng.

 

Chân dung bà Hạnh

Đáng chú ý, giấy bán xe này không đầy đủ thông tin như không có số máy; người mua thì không ghi địa chỉ; giấy cũng không có chứng thực của chính quyền địa phương, vả lại xe này là xe mua trả góp chưa trả xong tiền thì làm sao bán được. Giấy bán xe này nhiều khả năng là giả. Song cuối cùng, Công an vẫn quyết định thả cho Hạnh, Heo về… Nhận thấy Công an thị trấn Hóc Môn không nhiệt tình giải quyết, mấy ngày sau, vợ chồng anh Hùng đến Công an H.Hóc Môn tố cáo Hạnh. Đội CSĐT của Công an huyện hướng dẫn vợ chồng anh Hùng đến Công an xã Bình Hưng, H.Bình Chánh gửi đơn tố cáo. Vị cán bộ của Công an H.Hóc Môn giải thích thêm: “Nhóm lừa đảo này chỉ đưa “con mồi” đến địa bàn H.Hóc Môn để bàn bạc, nếu nạn nhân đồng ý mời đưa về cửa hàng bán xe gắn máy ở xã Bình Hưng, H.Bình Chánh gây án như ký giấy tờ khống, nhận tiền… thì địa điểm gây án là ở xã Bình Hưng, H.Bình Chánh nên công an ở đấy mới có thẩm quyền thụ lý”.      

Lộng hành

Mặc dù Hạnh bị công an mời làm việc nhưng không sợ mà vẫn tiếp tục gạ gẫm gài bẫy “con mồi”. Đầu tháng 7.2011, chúng tôi đã đóng vai khách vay tiền nhờ “cò” tên Đào môi giới. Sáng 6.7, Đào bất ngờ điện thoại cho chúng tôi hẹn gặp ở ngã tư An Sương để dẫn lên H.Hóc Môn gặp chủ cho vay tiền nhưng sau đó địa điểm giao dịch được đổi sang ở gần cầu vượt H.Củ Chi.

Sau đó, Đào dẫn chúng tôi đến một quán cà phê nằm mặt tiền đường nhựa thuộc ấp Tây, xã Tân An Hội, H.Củ Chi (gần cầu vượt Củ Chi). Vừa đến nơi, chúng tôi đã thấy Đào đang ngồi thì thầm nhỏ to gì đó với một người đàn bà trạc 40 tuổi. Được Đào giới thiệu, chúng tôi mới biết đó là bà Hạnh. Ngoài ra, có một người đàn ông vóc dáng hơi thấp, trắng, điển trai cứ luẩn quẩn xung quanh Hạnh để dò xét chúng tôi. Ngồi nói chuyện được một lát, Hạnh rút từ trong túi xách ra một hợp đồng có đóng mộc đỏ chót; Bùi Ngọc Hạnh, ngụ ở địa chỉ 99/2C Tân Thới 2, xã Tân Hiệp, H.Hóc Môn là người đứng tên mua xe gắn máy ở cửa hàng Tín Phong bằng hình thức vay tiền của PPF. Chứng minh xong, bà Hạnh tiếp thị: “Hình thức vay này rất có lợi cho người vay tiền. Không cần tài sản thế chấp gì cả, chỉ cần CMND, hộ khẩu nhưng vẫn vay được tiền triệu...”. Nói chuyện được một lát, Hạnh đi ra chỗ khác nghe điện thoại, rồi quay lại với giọng yếu ớt, buồn buồn: “Xin lỗi anh. Cửa hàng Tín Phong không chịu bán xe nữa”. Chúng tôi nài nỉ, viện lý do nghỉ buôn bán, chạy từ Q.7 lên đến H.Củ Chi để vay tiền về trả nợ nên nhờ Hạnh cố hỏi lại giúp cửa hàng Tín Phong… Hạnh lại chạy ra ngoài nói chuyện điện thoại với ai đó, rồi quay lại hẹn chúng tôi sáng mai sẽ liên lạc lại. “Nếu cửa hàng bán xe ở Bình Chánh đồng ý bán xe thì vay được tiền ngay. Lúc đó anh chạy qua đó lấy tiền, chứ không cần chạy lên đến Củ Chi đâu”.  

Xâm nhập vào tận hang ổ của bọn lừa đảo và kịp ghi được hình  ảnh của Hạnh, chúng tôi đưa cho các nạn nhân nhận dạng, họ đều khẳng định: đây chính là đối tượng lừa đảo họ.

Đàm Huy - Ng.Văn Hải

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.