Chấm thi tốt nghiệp THPT: Làm khác đáp án vẫn có điểm

04/06/2010 23:46 GMT+7

* Tiếp tục nghiên cứu cải tiến kỳ thi * 90 thí sinh vi phạm bị xử lý Theo quy định của Bộ GD-ĐT, ngay sau kỳ thi tốt nghiệp THPT kết thúc, từ hôm nay (5.6), việc chấm thi sẽ được tiến hành để kịp công bố kết quả tốt nghiệp cho thí sinh.

Chấm chung ít nhất 15 bài thi

Đối với những môn thi theo hình thức trắc nghiệm, các phiếu trả lời là bài làm của thí sinh (TS) sẽ được quét, xử lý và chấm bằng máy. Việc quét phiếu trả lời trắc nghiệm phải được giám sát chặt chẽ, trước và sau khi quét phải lập biên bản niêm phong.

Đối với môn thi tự luận, Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương phải bố trí đủ giám khảo chấm thi (bình quân 1 giám khảo chấm 75 - 100 bài/ngày) để chấm đúng tiến độ. Trước khi giám khảo chấm bài thi, tổ trưởng tổ chấm thi tổ chức cho các thành viên nghiên cứu phần hướng dẫn chấm thi của Bộ GD-ĐT và tiến hành chấm chung ít nhất 15 bài thi (năm trước quy định này chỉ là 10 bài) để giúp cho mọi giám khảo nhất quán thực hiện theo hướng dẫn chấm thi.

Bố trí giám khảo chấm lần 1 và lần 2 ngồi ở 2 phòng chấm khác nhau. Mỗi bài thi tự luận phải được hai giám khảo chấm độc lập, ghi điểm riêng theo số phách vào phiếu chấm cá nhân.

Năm nay là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT cho phép địa phương có bài thi tự luận cử mỗi môn một cán bộ đến địa phương được phân công chấm bài thi tự luận của tỉnh mình để giám sát quá trình chấm thi. Tuy nhiên, cán bộ đó chỉ giám sát và báo cáo lại tình hình với các cấp có thẩm quyền chứ không có quyền can thiệp vào hoạt động chuyên môn của hội đồng chấm thi. Ngoài ra, để đảm bảo khách quan trong quá trình chấm chéo, năm nay sẽ có cán bộ của Sở GD-ĐT thứ ba (không có bài thi và không phải là Sở tham gia chấm thi) làm nhiệm vụ thanh tra việc chấm bài thi tự luận.

Bộ GD-ĐT cũng nhấn mạnh: phải xử lý thật nghiêm đối với những bài làm vi phạm quy chế hoặc cán bộ không thực hiện đúng quy chế chấm thi; khắc phục những biểu hiện dễ dãi, bỏ qua lỗi trong bài làm của TS, dẫn đến kết quả chấm không phản ánh đúng thực chất.

Để tránh sai sót trong khâu hồi phách và vào điểm thi, mỗi hội đồng chấm thi tiến hành khớp phách ngẫu nhiên ít nhất 20% số bài thi tự luận.

Chấm chi tiết đến 0,25 điểm

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết: Trên thực tế, đáp án và hướng dẫn chấm thi của từng môn đã phải làm song song với quá trình ra đề thi, đội ngũ ra đề cũng là bộ phận xây dựng hướng dẫn chấm thi với những ba-rem điểm rõ ràng (ở phần lớn các môn, các ý được chấm chi tiết tới 0,25 điểm). Chính vì vậy ngay từ lúc ra đề đã phải tính đến tất cả các khả năng có thể xảy ra khi TS làm bài cũng như những tình huống xảy ra với người chấm.

Cũng theo ông Nghĩa, về nguyên tắc, nếu TS làm theo cách khác với đáp án nhưng đúng vẫn được chấm, còn việc có thưởng điểm hay không phải căn cứ vào yêu cầu cụ thể của từng câu, từng đề thi. Việc thay đổi quy định về ba-rem điểm từ 0,5 xuống còn 0,25 điểm ở kỳ thi tốt nghiệp THPT còn tạo điều kiện để tính điểm từng ý nhỏ mà thí sinh làm được trong bài thi của mình, tránh thiệt thòi cho các em, tránh việc cho hay không cho là tùy thuộc người chấm, dẫn đến hiện tượng chấm không đều tay.

Tiếp tục nghiên cứu cải tiến kỳ thi

Trao đổi với báo giới tại cuộc họp báo chiều qua (4.6), ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết:

- Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục nghiên cứu cải tiến kỳ thi. Tuy nhiên, thời điểm này thì chưa thể khẳng định bao giờ sẽ tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia, lấy kết quả của kỳ thi này để làm căn cứ xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.

* Cả giáo viên và TS đều nhận xét  đề thi các môn trong kỳ thi năm nay đều rất dễ. Phải chăng đây là chủ trương của Bộ GD-ĐT để làm “đẹp” kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT?

- Đề thi tốt nghiệp THPT dựa vào chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình. Trong quá trình học và ôn tập, Bộ GD-ĐT đều không đưa ra yêu cầu về trọng tâm, cũng như không có giới hạn chương trình... Bởi vậy, nếu học sinh thấy dễ là điều chúng tôi thấy đáng mừng hơn việc học sinh kêu khó. Vì các em đã nắm vững được chuẩn kiến thức trong quá trình học.

 * Thực tế kỳ thi vừa qua cho thấy, việc coi thi ở các hội đồng thi của trung tâm GDTX có biểu hiện lơi lỏng, nghiệp vụ của giám thị coi thi chưa tốt. Phải chăng do là trung tâm GDTX nên việc tập huấn, giám sát… bị coi nhẹ?

- Chất lượng đầu vào của học sinh ở trung tâm GDTX thấp hơn ở hệ THPT. Vì vậy, có thể do tâm lý của thầy cô có phần nương nhẹ. Đó là một sự thật mà chúng tôi cũng nhận thấy và cho rằng cần rút kinh nghiệm trong những năm sau.

* Năm nay, “phao” thi vẫn xuất hiện ở các hội đồng coi thi, thông tin về lộ đề thi vẫn tái diễn trước ngày thi. Bộ có trách nhiệm gì về những hiện tượng này?

- Đúng là còn tình trạng nhiễu thông tin về đề thi trong dư luận xã hội, gây ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý của phụ huynh, học sinh. Vẫn còn xuất hiện phao thi vứt quanh hội đồng thi sau mỗi buổi thi.

Bộ GD-ĐT không thể ngăn chặn chuyện tung tin lộ đề cũng như việc photo, hoặc mua - bán phao thi. Nhưng chúng tôi có trách nhiệm nhắc nhở, giáo dục học sinh của mình không nên tin vào những thông tin đó cũng như nếu mang tài liệu vào phòng thi sẽ bị đình chỉ thi.

Còn khi có thông tin lộ đề thi thì Bộ có trách nhiệm kiểm chứng lại: liệu có khả năng lộ đề hay không. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng việc soạn thảo và in sao, vận chuyển, bảo mật đề thi thực hiện tuyệt đối an toàn, bí mật.

Tuyết Mai  (ghi)

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.