Chấm trắc nghiệm tập trung, đặt camera giám sát?

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
07/11/2018 08:24 GMT+7

Sau sai phạm nghiêm trọng chấm thi trắc nghiệm kỳ thi THPT quốc gia 2018, một trong những đòi hỏi bức thiết đặt ra với Bộ GD-ĐT là phải thay đổi thế nào để đảm bảo không còn kẽ hở cho tiêu cực trong khâu chấm thi.

Mã hóa toàn bộ thông tin của thí sinh
Theo thông tin của Thanh Niên, phương án mới nhất mà Bộ GD-ĐT đã tính đến là sẽ mã hóa toàn bộ thông tin của thí sinh (TS) trên phiếu trả lời trắc nghiệm để cán bộ chấm thi khi tiến hành các bước chấm trắc nghiệm hoàn toàn không biết phiếu trả lời trắc nghiệm đó của TS nào...
Phần mềm chấm thi trắc nghiệm sẽ được sửa đổi, nâng cấp theo hướng phân quyền cụ thể và mã hóa dữ liệu để tránh người dùng can thiệp; cán bộ xử lý bài thi không thể biết được mối liên hệ giữa thông tin cá nhân TS với nội dung trả lời trắc nghiệm; người được cấp quyền truy cập có thể mở được nhưng không sửa được thông tin... Công tác chấm thi trắc nghiệm sẽ do Bộ GD-ĐT chủ trì tổ chức chấm tập trung. Các phòng chấm thi sẽ phải đặt camera giám sát 24/24 giờ…
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên xung quanh dự kiến này, tiến sĩ Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD-ĐT, cho rằng phương án này hoàn toàn phù hợp để bịt “lỗ hổng chết người” trong chấm thi trắc nghiệm dẫn đến sai phạm của năm 2018. Ông Ngọc cũng cho rằng đây là phương án hoàn toàn khả thi. Điều quan trọng là toàn bộ bài thi của TS sau khi kết thúc thời gian làm bài đến khi được quét, mã hóa thông tin cá nhân phải có sự giám sát chặt chẽ của các cán bộ an ninh, cán bộ các trường ĐH được cử tham gia phối hợp tổ chức thi ở địa phương.
Đây cũng là vấn đề được nhiều ý kiến góp ý tại cuộc họp với các giám đốc sở GD-ĐT bàn về kỳ thi THPT quốc gia 2019 vào tháng 9.2018. Bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa, cho rằng bài thi trắc nghiệm nên được nghiên cứu để có thể mã hóa về phách, làm sao cán bộ chấm thi không thể biết được bài đó là của TS nào. Hội đồng làm phách trắc nghiệm và tự luận nên cách ly triệt để đến khi chấm xong.
Còn ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng, đề nghị chỉ hoán đổi các thành viên về mặt kỹ thuật xử lý bài thi chéo nhau. Thi trắc nghiệm, bản thân nó là kết quả luôn chính xác, nếu không có sự can dự một cách có chủ ý của người làm công tác chấm thi.
Lưu ý cả chấm tự luận
Một số ý kiến cho rằng tuy chỉ còn môn văn là thi tự luận trong kỳ thi THPT quốc gia nhưng đây là môn tiềm ẩn nhiều nguy cơ chấm “không đều tay”, ảnh hưởng không nhỏ tới sự công bằng.
Năm 2018, kết quả chấm thẩm định 51 bài thi tại Lạng Sơn, so với kết quả hội đồng thi Sở GD-ĐT tỉnh Lạng Sơn chấm trước đó, không có bài nào điểm tăng lên nhưng có 8 bài giảm điểm (chiếm 15,7%). Tại Sơn La, kết quả chấm thẩm định 110 bài thi môn văn cho thấy 12 bài có điểm thấp hơn so với chấm lần đầu từ 1 điểm trở lên; trong đó 1 bài có điểm thấp hơn 4,5 điểm so với chấm lần đầu.
Từ những kết luận này, dư luận đặt câu hỏi: Tỷ lệ sai sót trong chấm thi chiếm tới 15,7% ở Lạng Sơn hay hơn 10% ở Sơn La là một sai số lớn hay nhỏ trong việc chấm thi ở một kỳ thi đặc biệt quan trọng như kỳ thi THPT quốc gia?
Bà Nguyễn Quỳnh Mai, Trưởng phòng Đào tạo, Hệ thống Giáo dục Hocmai, cho rằng kết quả chấm thi môn ngữ văn phụ thuộc khá nhiều vào chủ quan người chấm. Đặc biệt, barem chấm môn này của Bộ GD-ĐT cũng tương đối mở theo tinh thần đề mở, đáp án cũng phải mở nên kết quả thi của các TS cũng sẽ bị yếu tố chủ quan của người chấm chi phối ít nhiều, làm cho kết quả ít có tính đồng bộ theo diện rộng. Nếu để ý luồng dư luận sau khi kết thúc bài thi môn ngữ văn, có rất nhiều ý kiến, quan điểm trái chiều.
Phân tích kết quả thi môn văn trên cả nước cũng cho thấy các thành phố lớn, có chất lượng dạy học tốt như Hà Nội, TP.HCM đều xếp vị trí thấp, lần lượt đứng thứ 33, 34; một số tỉnh, thành lớn như Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế và Quảng Ninh cũng nằm trong nhóm có điểm môn văn ở tốp cuối... Điều này khiến dư luận không yên tâm rằng kết quả chấm thi đã phản ánh đúng chất lượng dạy học. Điểm thi tự luận năm nay là năm đầu tiên được quy định làm tròn tới tận 2 chữ số thập phân chứ không phải 0,25 điểm như trước kia, nghĩa là chỉ một sai số vô cùng nhỏ cũng khiến một TS từ đỗ thành trượt, và ngược lại.
Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng, cho rằng trước đây, một số năm chúng ta tổ chức chấm chéo bài thi tự luận giữa các tỉnh, thành. Nay đảm bảo khách quan tuyệt đối, Bộ trở lại việc tổ chức chấm chéo cũng không gây khó khăn gì. Vấn đề là chúng ta cần tính toán khoảng cách di chuyển của bài thi, để hoán đổi sao cho hợp lý.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến chỉ ra rằng, khi tiến hành chấm đổi chéo bài thi tự luận thì cũng đã xảy ra hiện tượng như các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long “bắt tay nhau” chấm “lỏng” nên quan trọng nhất vẫn là đội ngũ được chọn tham gia chấm thi.
Bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa, cho rằng không nhất thiết phải đổi chấm chéo giữa các địa phương, vì trên thực tế có rất nhiều tỉnh làm tốt khâu chấm thi. Quan trọng là việc giám sát thực hiện chặt chẽ các quy định, quy chế, có thể lắp thêm camera giám sát ở các điểm chấm nhằm hạn chế bớt tiêu cực. Bên cạnh đó là sự giám sát chặt chẽ của thanh tra Bộ, Sở và PA83, đặc biệt là lực lượng công an có nghiệp vụ để phát hiện được các hành vi gian đối của cán bộ chấm thi.
Giáo viên không chấm bài thi của học sinh địa phương mình
Trao đổi với báo chí, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, khẳng định: Một trong những giải pháp trong kỳ thi 2019 là cải tiến, điều chỉnh các khâu về kỹ thuật trong tổ chức thi; nhất là hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng tăng cường bảo mật và hỗ trợ tốt cho việc phát hiện, phòng ngừa các sai phạm trong chấm thi để hạn chế gian lận, tiêu cực. Tăng cường ứng dụng công nghệ trong chấm thi; xem xét tổ chức chấm thi đảm bảo nguyên tắc giáo viên không chấm bài học sinh tỉnh mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.