Chỉ cần 5 - 10 phút, các chuyên gia y tế sẽ đưa ra kết quả hội chẩn chuẩn xác và phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho người bệnh dù cách nhau hàng ngàn km.
Lần đầu tiên Việt Nam hợp tác với Nhật Bản triển khai ứng dụng công nghệ chẩn đoán từ xa bằng kỹ thuật cao.
Đơn vị được Bộ Y tế chọn thực hiện là Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) và ở nước bạn là Bệnh viện Mita thuộc Đại học Quốc tế Y tế và Phúc lợi đóng tại Tokyo (Nhật Bản). Đây là mô hình chẩn đoán bệnh xuyên biên giới lần đầu tiên được phối hợp thực hiện.
|
Dẫn đầu phái đoàn chuyên gia y tế Nhật Bản đến Việt Nam là GS Robert Y. Osamura, Giám đốc Trung tâm Giải phẫu bệnh lý Đại học Quốc tế Y tế và Phúc lợi. Đoàn chuyên gia này đã đến Khoa Giải phẫu bệnh lý của Bệnh viện Chợ Rẫy để lắp đặt hệ thống gồm nhiều trang thiết bị nhằm phân tích, chuyển tải hình ảnh. Hệ thống này được kết nối với Nhật Bản thông qua đường truyền cáp quang tốc độ cao, cho phép ở hai đầu cầu cùng hội chẩn trực tuyến, trao đổi trực tiếp qua màn hình một cách thông suốt.
Theo GS Robert Y. Osamura, hệ thống này sẽ thu thập hình ảnh từ mẫu bệnh phẩm và đưa lên mạng những cơ sở có mô hình chẩn đoán bệnh từ xa này trên khắp thế giới. Chỉ cần có mã số của cuộc hội chẩn, các bác sĩ sẽ có thể tham dự và cùng hội chẩn để đưa ra kết quả chuẩn xác nhất, nhanh nhất về tình trạng của bệnh nhân.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ Việt Nam và Nhật Bản đã ngồi trước màn hình hội chẩn, theo dõi một trường hợp nghi ung thư vú. Khi hình ảnh bệnh phẩm qua hệ thống internet truyền xuống phòng giải phẫu học Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Mita, những ý kiến chuyên môn được trao đổi với nhau. Sau chừng 10 phút, khối tế bào ung thư được xác định, bệnh nhân được phẫu thuật ngay.
Bác sĩ Trần Minh Thông, Trưởng Khoa Giải phẫu bệnh lý Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết trước đây, kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh mang tính thủ công, thực hiện rườm rà, muốn hội chẩn phải chuyển tải hàng chục hình ảnh “chết” thông qua email và phải mất nhiều thời gian mới trao đổi được kết quả. Với kỹ thuật mới này, chỉ cần duy nhất hình ảnh “động” là có thể mang lại kết quả cao gấp hàng ngàn lần. Trong 40 bệnh nhân của Việt Nam và Nhật Bản đã hội chẩn, có 99% tương đồng ý kiến giữa hai bên.
Mở cơ hội hứa hẹn Bác sĩ Trần Minh Thông cho rằng lâu nay có nhiều ca bệnh trước đó đã hội chẩn nhưng không chuẩn xác, đặc biệt những loại bệnh khó điều trị bệnh như ung thư. Vì thế, việc hội chẩn và chia sẻ với giới y khoa quốc tế sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh. Đây cũng là sự hợp tác để cùng nghiên cứu khoa học đối với những ca bệnh lạ, khó trong y học đồng thời là bước tiến nhằm cung cấp một dịch vụ y tế tốt nhất, nâng chất lượng khám chữa bệnh. Tại châu Á, mô hình này mới chỉ áp dụng ở hai nước Nhật Bản và Trung Quốc. Các chuyên gia y tế cho biết trong tương lai, nhu cầu chẩn đoán từ xa sẽ tăng lên. Thành tựu khoa học này góp phần mở cơ hội cho tất cả các bệnh viện, các bác sĩ trong và ngoài nước có thể dễ dàng chia sẻ chuyên môn nhưng trên hết, bệnh nhân sẽ là người hưởng lợi. |
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)