Chấn hưng giáo dục: Không thể điều chỉnh chắp vá!

24/04/2006 01:00 GMT+7

Nhìn chung, chúng tôi rất phấn khởi thấy rằng Báo cáo Chính trị do Tổng bí thư trình bày hôm khai mạc Đại hội đã tiếp thu ý kiến của đông đảo đảng viên và các tầng lớp nhân dân Việt Nam trong cũng như ngoài nước. Tuy nhiên tôi vẫn chưa thật an tâm, vì tuy Báo cáo Chính trị đã đề cập đến "đổi mới tư duy giáo dục, chấn hưng giáo dục..." nhưng các bước đi chưa được hệ thống hóa cho thật sự là một kim chỉ nam cho ngành giáo dục - đào tạo cùng toàn dân thực hiện sau này.

Giáo dục và đào tạo đã trở nên vấn đề rất bức xúc của xã hội ta hiện nay. Qua báo chí và nhiều cuộc hội thảo, nhiều nhân sĩ, trí thức, nhiều nhà giáo lão thành tiến bộ, và cả trí tuệ của Quốc hội Việt Nam đã bàn tán nhiều về những hụt hẫng trong dân trí, nhân lực và nhân tài của đất nước ta.

Đồng chí Nguyễn Thị Bình đã có lần nhận xét: "Nền giáo dục của ta hiện nay tách rời thực tiễn và kém thiết thực; nặng về học chữ và hướng theo thi cử, chưa quan tâm đúng mức đến những năng lực then chốt: độc lập suy nghĩ, kỹ năng thực hành, kỹ năng sử dụng ngoại ngữ, vi tính... đến giáo dục đạo đức, nhân cách, kỹ năng sống... cần thiết cho thế hệ trẻ khi bước vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh...". Chúng ta thấy quá rõ qua những biểu hiện trong xã hội ngày nay: dân trí đại bộ phận dân ta thấp; nhân lực không đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế; và nhân tài tuy không đến nỗi quá thiếu nhưng phát hiện kém, thiếu cơ hội và điều kiện phát triển. Sự yếu kém này thể hiện ngay từ các học sinh cấp phổ thông. Thực tế giáo dục cấp phổ thông rất yếu và có tính chất hệ thống, không thể khắc phục bằng những biện pháp điều chỉnh chắp vá, mà cần phải cương quyết xây dựng lại từ gốc.

Đó là việc đổi mới tư duy giáo dục: giáo dục cho số đông, cả xã hội học tập, thay vì dành cho nhóm tinh hoa nhỏ, do đó tuy Nhà nước đầu tư là chính, nhưng cần có nhiều hình thức và chính sách hợp lý và khuyến khích để xã hội hóa giáo dục. Đồng thời chúng ta bãi bỏ thu phí các loại ở cấp phổ thông công lập, nhưng sẽ nâng lương của các cô thầy giáo trực tiếp đứng lớp. Nền giáo dục mới sẽ không tách rời thực tiễn và kém thiết thực, thay vì chỉ nặng về học chữ và hướng theo thi cử mà phải quan tâm đúng mức đến những năng lực then chốt: độc lập suy nghĩ, kỹ năng thực hành, kỹ năng sử dụng ngoại ngữ, vi tính; nhấn mạnh giáo dục đạo đức, nhân cách, kỹ năng sống của người học nhất là thanh niên.

Đó là việc rà xét lại hệ thống các trường học trên cả nước; bố trí mạng lưới các loại trường học để mọi tỉnh chưa có trường đại học, nhất là vùng sâu vùng xa, đều có trường cao đẳng hoặc đại học cộng đồng. Tiếp theo là việc sửa đổi hệ thống giáo dục phổ thông: xác định lại chuẩn nội dung kiến thức của từng môn học ở từng lớp học trong từng cấp học; quan tâm đến kỹ năng sử dụng được một ngoại ngữ, tiện lợi nhất là Anh ngữ, và sử dụng tin học sau khi tốt nghiệp trung học. Từng thầy cô giáo, có thể tham khảo nhiều sách giáo khoa các ngành, chứ không phải chỉ theo đúng một loại sách giáo khoa độc nhất. Thiết kế lại chương trình khung cho các cấp học - giảm tải số môn học sao cho tương đương với các nước tiên tiến. Thiết kế lại quy trình đào tạo thầy cô giáo phổ thông - đổi mới các trường sư phạm và chính sách đào tạo giáo viên phổ thông. Từ đó mới có được những thay đổi về phương pháp dạy và phương pháp học tại các trường phổ thông. Kiên quyết giảm cách dạy độc thoại sang đối thoại, giáo viên có vai trò hướng dẫn học sinh, sinh viên để họ biết phát huy tư duy sáng tạo thay vì chỉ học vẹt đối phó với các kỳ thi. Đặc biệt quan tâm đầu tư cho trình độ giáo dục phổ thông của ĐBSCL nhanh chóng theo kịp bình quân cả nước.

Về cải tiến hệ thống giáo dục đại học: sớm có chính sách gắn các viện, trung tâm nghiên cứu với trường đại học; xây dựng một số trường đại học trọng điểm có trình độ quốc tế; cải tiến phương pháp thi cử và tuyển sinh để các trường có thể tuyển vào đúng người có tâm huyết theo học các ngành nghề. Chấn chỉnh lại hệ thống dạy nghề tại các tỉnh và huyện; đa dạng hóa các loại hình dạy nghề nhất là đối với lao động nông thôn sao cho không để sót thanh niên nào ở nông thôn không biết nghề.

Đảng và Nhà nước cần thật sự quyết tâm đầu tư cho công tác giáo dục nông thôn để loại trừ tận gốc sự nghèo nàn và nâng cao dân trí để xã hội sống tự do dân chủ một cách tự giác. Càng để dân nghèo nhiều và dốt nhiều thì càng phải đối mặt với khó khăn tụt hậu.

Mục đích cuối cùng của chấn hưng giáo dục là đào tạo ra con người "thực sự làm chủ đất nước, biết suy nghĩ độc lập, biết làm việc tập thể, biết phân tích sự kiện để đóng góp hoặc tiếp thu ý kiến của người khác, và để tham gia thành công vào công cuộc hiện đại hóa - công nghiệp hóa của Việt Nam".

GSTS Võ Tòng Xuân (đoàn đại biểu An Giang)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.