Chăn nuôi nhỏ lẻ là nguyên nhân sâu xa dẫn đến dịch bệnh liên tiếp

28/07/2007 15:17 GMT+7

Ngày 28.7, sau giờ họp của Quốc hội, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã trả lời báo chí xung quanh nội dung các giải pháp đẩy lùi dịch bệnh tai xanh với đàn lợn đang phát triển mạnh ở các tỉnh miền Trung.

* Thưa Bộ trưởng, hiện nay dịch bệnh tai xanh  vẫn đang phát triển mạnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đang làm gì để chặn đứng và đẩy lùi dịch bệnh này ?

- Bộ trưởng Cao Đức Phát: Hiện nay bệnh tai xanh đang lây lan mạnh ở vùng miền Trung; nơi có dịch nhiều nhất là Quảng Nam, nay đã lây sang các tỉnh Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế. Bộ NN-PTNT cùng với các địa phương đang thực hiện những biện pháp rất quyết liệt để chống dịch. Biện pháp đầu tiên là tổ chức nhân dân cùng với các lực lượng chuyên môn giám sát chặt chẽ sự lây lan của dịch bệnh, cố gắng phát hiện sớm nhất gia súc bị nhiễm bệnh.

Đối với những nơi lần đầu tiên phát hiện, chúng tôi chủ chương đề nghị tiêu hủy những con gia súc nhiễm bệnh để xóa bỏ nguồn virut gây bệnh. Đối với gia súc bị tiêu hủy, bà con nông dân được hỗ trợ 10.000đ/kg hơi. Còn những nơi cả thôn cả xã đã có lợn bị bệnh thì phải "bao vây" rất chặt, sử dụng thuốc để hỗ trợ nâng cao sức đề kháng và chữa những bệnh thứ phát xuất hiện đồng thời với bệnh tai xanh. Trong thời gian chữa trị, virut vẫn tồn tại ở trong con vật sống và chất thải nên nó có thể lây lan, việc bao vây các ổ dịch là hết sức quan trọng.

* Ở nhiều nơi có tình trạng dân bán tống bán tháo gia súc bị bệnh. Việc này có gây khó khăn cho việc dập tắt dịch ?

- Bộ trưởng Cao Đức Phát: Có tình trạng đó, tuy nhiên với sự cố gắng rất cao của chính quyền các cấp địa phương, cộng với sự hợp tác của bà con nông dân, tình hình đang từng bước được cải thiện. Tuy nhiên chúng ta cần làm quyết liệt hơn cả từ 2 phía - các cơ quan chuyên môn và các cấp chính quyền. Ngoài ra cũng thiết tha đề nghị bà con nông dân chấp hành chủ trương của Nhà nước, không nên bán chạy các gia súc bị ốm, không nên vứt xác gia súc một cách bừa bãi để tránh lây lan dịch bệnh sang những hộ gia đình khác, nơi khác.

* Người tiêu dùng rất lo ngại, có tâm lý tẩy chay thịt lợn. Song có nơi thì người dân lại đào cả các chỗ chôn lợn bệnh lên để lấy thịt lợn bán?  Ông có ý kiến gì với người dân trong việc này?

- Bộ trưởng Cao Đức Phát: Chúng tôi thực hiện chủ trương công khai minh bạch đối với nhân dân trong thông tin về dịch bệnh. Chúng tôi thông báo rất rõ những nơi nào có dịch bệnh. Những vùng không có dịch bệnh và những sản phẩm đã có chứng nhận của cơ quan thú ý thì bà con có thể yên tâm sử dụng sản phẩm từ lợn, không nên lo lắng đến mức không dám dùng. Còn những nơi có lợn dịch, chúng tôi đã yêu cầu bao vây những vùng đó, không được buôn bán và giết mổ. Chúng tôi đang thực hiện đánh dấu kiểm dịch đối với những gia súc "sạch". Kể cả những nơi không có dịch, lực lượng thú y vẫn kiểm soát và thực hiện việc đóng dấu trên những con gia súc đã được giết thịt.

Còn việc dân đào cả heo bệnh lên bán, ăn thì chính quyền các cấp phải vào cuộc cùng với các đoàn thể, tổ chức để giám sát và xử lý triệt để. Tuy nhiên, cần phải có sự hợp tác của bà con nông dân, của tất cả người dân vì lực lượng chức năng không thể có đủ người để có thể giám sát được hết mọi nơi mọi chỗ.

* Ông có thể cho biết tính đến thời điểm này, mức thiệt hại do dịch bệnh tai xanh như thế nào ?

- Bộ trưởng Cao Đức Phát: Hiện nay tổng số đàn lợn bị nhiễm bệnh ở miền Trung khoảng 30.000 con. Số phải tiêu hủy ước tính có thể lên tới vài nghìn con. Tuy nhiên việc hỗ trợ mới chỉ giải quyết được một phần. Đối với bà con nông dân, thiệt hại lớn không chỉ là gia súc bị chết, bị chậm lớn mà còn do giảm giá. Chúng tôi chưa có con số tính toán cụ thể, nhưng có thể lên đến nhiều chục tỉ.

* Theo ông, trách nhiệm để xảy ra dịch tai xanh là do đâu? Cục thú y hay địa phương. Hướng xử lý của Bộ thế nào?

- Bộ trưởng Cao Đức Phát: Việc này có liên quan đến nhiều cơ quan chức năng, đến sự lãnh đạo của Bộ, sự chỉ đạo về chuyên môn của cơ quan thú y và sự tổ chức thực hiện của các cấp chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chuyên môn thú y địa phương. Để xảy ra dịch bệnh, rõ ràng có trách nhiệm của Bộ NN-PTNT, của cơ quan thú y chuyên môn của Bộ cũng như các cấp chính quyền địa phương. Tất cả chúng tôi đều phải rút kinh nghiệm để thực hiện công việc tốt hơn.

* Dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm đã liên tiếp xảy ra trong khoảng 2 năm trở lại đây. Phải chăng ngành nông nghiệp chưa có giải pháp tốt để phòng ngừa ?

- Bộ trưởng Cao Đức Phát:  Đó là vấn đề chúng tôi trăn trở đã nhiều năm nay, khi mà dịch bệnh trên gia súc lây lan và xuất hiện nhiều ở nước ta. Nguyên nhân cơ bản, sâu sa là do hệ thống chăn nuôi của chúng ta vẫn lạc hậu, chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán. Có tới hơn 60% đàn gia cầm được nuôi trong gần 8 triệu hộ nông dân, chỉ có 40% được nuôi trong các trang trại và các cơ sở sản xuất có tính chất công nghiệp. Tương tự, lợn cũng chăn nuôi rất nhiều ở các hộ gia đình nhỏ lẻ; rồi nhiều nơi trâu bò, gà thả rông.

Mấy năm gần đây, chúng tôi rất chú trọng cùng với các địa phương phát triển chăn nuôi như một hướng chính để tăng trưởng nông nghiệp và tăng thu nhập cho bà con nông dân. Trong điều kiện hiện nay, việc lưu thông hàng hóa giữa các vùng miền, giữa các quốc gia rất nhanh. Mật độ gia súc, gia cầm tăng lên mạnh, lưu thông mạnh nên việc lây lan cũng có điều kiện phát triển. Mặt khác, hệ thống thú y của chúng ta còn bất cập vì thế chống dịch chỉ là những biện pháp trước mắt.

Chúng tôi đã và đang cố gắng cùng các địa phương hướng dẫn bà con nông dân, tạo điều kiện cho họ thực hiện biện pháp chuyển đổi các phương thức chăn nuôi, từng bước chuyển sang chăn nuôi theo mô hình tập trung có áp dụng biện pháp an toàn sinh học. Mô hình mà chúng ta hướng tới là chăn nuôi trong các trang trại lớn như ở Malaysia, Thái Lan và các nước công nghiệp khác. Họ chăn nuôi chủ yếu theo hình thức công nghiệp, khép kín, thậm chí họ không cần tiêm văc-xin vẫn giữ không bị dịch bệnh.

Thứ hai, chúng tôi cố gắng để tăng cường năng lực của hệ thống thú y, bao gồm hệ thống pháp lý, đào tạo nhân lực, bố trí cán bộ, tăng cường năng lực của các phòng thí nghiệm giúp cho các địa phương phát hiện kịp thời các dịch bệnh và kiến nghị các biện pháp phòng chống phù hợp.

* Việc hỗ trợ đền bù đối với heo 10.000đ/kg hơi được xem là thấp hơn so với gia cầm. Liệu có thỏa đáng không khi giá trên thị trường hiện nay cao hơn nhiều?

- Bộ trưởng Cao Đức Phát: Chúng tôi cũng có tham khảo ý kiến của bà con nông dân ở Quảng Nam, thấy có thể chấp nhận được. Riêng ở huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), địa phương cũng tiêu hủy và đền bù cho bà con nông dân theo mức đó. Theo báo cáo, bà con nông dân cũng chấp nhận được.

M.Q

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.