Chân trần, chí thép - Không ngày đoàn tụ

13/04/2011 23:08 GMT+7

(Sách của cựu trung tá thủy quân lục chiến Mỹ James G.Zumwalt - con trai Tư lệnh Hải quân Mỹ tại Việt Nam Elmo R.Zumwalt) Là một phụ nữ rất đẹp dù đã ngoài bảy mươi (ở thời điểm hơn 10 năm trước - ND), những đường nét và khuôn mặt phúc hậu của bà Bùi Thị Mè dường như đối nghịch với cái bi kịch vẫn còn trĩu nặng trong trái tim bà. Chỉ có tấm huy hiệu mà bà đeo trên ngực chiếc áo dài gợi cho người ta biết rằng bà có một câu chuyện khổ đau để kể.

>> Tôi vẫn còn một cái chân nữa
>> Câu chuyện của vị tướng - bác sĩ phẫu thuật

Bà Mè và chồng, ông Nguyễn Văn Nhơn, là giáo viên. Giai đoạn 1942 - 1957, họ là một đôi vợ chồng hạnh phúc với bốn người con trai lớn - Sanh, Tài, Đại, Đạo - cùng hai con gái. Trong nhiều năm, họ quản lý một trường học ở Chợ Lớn. Nhưng ngay sau khi đứa con út chào đời, chính quyền Sài Gòn buộc họ đóng cửa trường.

Khi biết rằng chính quyền Sài Gòn đang chuẩn bị bắt họ vì các hoạt động chống đối, vào năm 1960, bà Mè và ông Nhơn lên kế hoạch rời thành phố. Họ quyết định mang theo các con trai, chỉ để hai con gái – mới ba và chín tuổi - lại cho người cô nuôi. Họ xuôi xuống đồng bằng Mê Kông, mở trường học tại tỉnh Trà Vinh dùng làm cơ sở để phục vụ Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam.

Năm 1964, khi nhịp độ chiến tranh tại miền Nam dâng lên, bà Mè và chồng quyết định rời đồng bằng để gia nhập Ban chỉ huy mặt trận tại tỉnh Tây Ninh, trong căn cứ được biết đến với tên gọi “Chiến khu R”. Họ đem theo người con trai lớn nhất, cậu Sanh. Trong khi cha mẹ công tác ở Chiến khu R thì Sanh biểu diễn văn nghệ, và cậu trở nên nổi tiếng. Đến năm 1967, cậu xung phong nhập ngũ để tham gia cuộc tấn công Tết Mậu Thân.

Chẳng bao lâu sau khi Sanh bước vào con đường binh nghiệp, bà Mè và ông Nhơn lại nhận được thông tin về những người con trai còn lại. Người con trai tên Tài gửi cho họ một lá thư. Cậu nhẹ nhàng thông báo cho cha mẹ biết rằng, cả ba người con trai còn lại đều đã nhập ngũ.

Bà Mè nhận lá thư với xúc cảm lẫn lộn. Một mặt bà tự hào khi các con cầm súng chiến đấu, cũng như chấp nhận quyết định nhập ngũ của các con, mặt khác bà không khỏi phiền muộn. Bà biết các con đều chưa được huấn luyện chiến đấu là bao.

Cuối năm 1967, cảm giác chung lúc đó là miền Nam sắp được giải phóng. Trong khi chuẩn bị cho cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968, bà Mè biết rằng các con sẽ tham gia vào chiến dịch này. Bà cảm thấy đỡ lo hơn khi bốn đứa con không cùng đơn vị. Điều đó có nghĩa là không nhất thiết tất cả con của bà sẽ cùng tham gia một trận đánh khốc liệt. Nguy cơ mất nhiều người con cùng lúc, theo cách tính xác suất, vì thế sẽ thấp.


Bà Mè bên mộ một người con - Ảnh: NV cung cấp 

Thế rồi, cuối tháng 2.1968, khi bà Mè đang làm việc tại một khu khá hẻo lánh của Chiến khu R thì một thượng cấp tới gặp. “Có tin xấu”, ông ta nói. “Tôi vừa được thông báo Tài và Sanh đã hy sinh”. Tài, mới 24 tuổi, mất vào tháng 12 năm trước tại Cần Thơ, nhưng phải hai tháng sau thì tin tức mới tới được với bà Mè. Tin của Tài đến đúng lúc với cái chết của đứa con lớn tuổi nhất, cậu Sanh, 26 tuổi. Sanh bị trúng đạn chết tại An Lạc ở quận Bình Chánh nhiều ngày trước đó, trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân.

Bà Mè chấn động. “Khi nghe tin, điều đầu tiên tôi nghĩ là chắc có gì đó nhầm lẫn. Nhưng khi nhận ra đó là sự thật, tôi chạy vào hầm trú ẩn và khóc. Nước mắt như mưa. Tôi cảm thấy như có ai đó đang cắt đi từng phần cơ thể”.

Bà Mè đã có sự chuẩn bị tinh thần cho việc có thể mất đi một người con, nhưng chưa hề chuẩn bị cho việc mất hai người con cùng lúc. Bà cũng chưa chuẩn bị cho những điều sẽ xảy ra sau đó.

Tuần kế tiếp, bà Mè trở lại làm việc, cố nén nỗi đau mất mát. Nhưng bà linh cảm có điều gì chẳng lành. Các đồng đội đôi khi nhìn bà rồi vội lảng đi. Bà liền tới chỗ người chỉ huy và khẩn nài: “Xin hãy nói cho tôi biết có tin gì xấu nữa. Đừng có giấu. Tôi cần biết!”. Người chỉ huy ấn bà ngồi xuống, rồi nói rằng ngay sau khi được tin hai người con của bà mất, ông còn nhận được thêm tin báo đứa con thứ ba của bà, cậu Đại, 22 tuổi, bị giết ở Vĩnh Long, trong khi đứa con thứ tư là Đạo, 22 tuổi, bị thương nặng. Trước nỗi mất mát ấy, bà Mè không thể nhỏ được giọt nước mắt nào - bà cảm thấy tê cóng đi.

Người con trai tên Đạo rốt cuộc đã qua khỏi. Không muốn để bà Mè cùng ông Nhơn mất thêm người con thứ tư nếu cậu ấy vào nơi hiểm nguy, viên chỉ huy đã ra lệnh cho Đạo về công tác cùng cha mẹ tại Chiến khu R. Chuyến đi tới chiến khu kéo dài trong nhiều tuần. Suýt chút nữa thì chuyến đi đã kết thúc với việc bà Mè mất đi người con trai thứ tư, khi Đạo bị pháo kích trên đường tới căn cứ.

Một tháng sau khi nhận được tin người con thứ ba tử trận, bà Mè bước ra khỏi phòng làm việc ở Chiến khu R với một nỗi kinh ngạc khi Đạo chạy tới chào mẹ. Dòng nước mắt dồn nén hôm nào giờ được dịp tuôn xối xả. Dòng nước mắt ấy, cũng như tình thương của người mẹ dành cho con trai, đã khiến bà Mè không nhận thấy sự thay đổi ngoại hình của Đạo khi bà ôm cậu trong vòng tay, không thấy rằng khuôn mặt con đã bị thương tích làm biến dạng. Một quả đạn M-79 phát nổ đã găm nhiều mảnh vào mặt Đạo.

Ôm đứa con duy nhất còn lại trong tay, bà Mè nhớ lại ước nguyện đoàn tụ sau chiến tranh mà bốn anh em đã bày tỏ trước khi vào quân đội. Giờ thì bà Mè biết rằng ngày đoàn tụ đó chẳng bao giờ đến nữa.

Sau những đau thương ấy, bà Mè được phong tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Là một người mẹ”, bà Mè giải thích, “tôi thấu hiểu tâm tư của những người có con trai đối mặt với hiểm nguy của chiến tranh, có con ngã xuống trên chiến trường và chẳng thể đưa con tới nơi an nghỉ cuối cùng. Tới hôm nay”, mắt bà Mè ngấn lệ, “tôi vẫn chưa thể tìm được hài cốt của một người con trai, và tôi biết mình sẽ không bao giờ tìm được”.

Đáng ngạc nhiên là nỗi đau mất ba người con trai và một phần cơ thể người con thứ tư không khiến bà Mè nung nấu lòng hận thù đối với người Mỹ vốn chịu trách nhiệm về bi kịch của gia đình bà. Bà cảm thông với những bà mẹ Mỹ không tìm thấy hài cốt đứa con đã ngã xuống trên chiến trường ở một vùng đất xa xôi. 

Đỗ Hùng
(dịch và giới thiệu)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.