Chàng Sài Gòn xăm trổ mở tiệm cắt tóc 0 đồng cho xe ôm, người bán vé số

Hoài Nhân
Hoài Nhân
11/06/2019 13:32 GMT+7

Hai năm qua, tiệm cắt tóc vỉa hè của "hotboy xăm trổ" vẫn tỉ mỉ làm việc ở một góc đường Sài Gòn. Người chạy xe ôm, người bán ve chai, vé số đều được cắt tóc với giá 0 đồng, khiến ai cũng cảm thấy ấm lòng.

Giúp người nghèo vì đã từng nghèo

Suốt 2 năm qua, ở một góc đường Cống Quỳnh (đoạn gần giao lộ Cống Quỳnh - Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM), người ta vẫn thấy một chàng trai xăm trổ chăm chú đứng hớt tóc cho học sinh, sinh viên, người lao động nghèo.
 
Tiệm tóc lấy vỉa hè làm mặt bằng, chỉ có dăm ba chiếc ghế nhựa, mấy chiếc khăn trùm, tất cả những đồ dùng còn lại đều nằm gọn trong chiếc túi đeo trên người thợ cắt tóc. Đặc biệt, ai đến đây cũng đều được cắt tóc với giá… 0 đồng!
Những chàng trai vẻ ngoài hầm hố lại có hoạt động ấm lòng người HOÀI NHÂN
Tiệm tóc 0 đồng trên vỉa hè đường Cống Quỳnh đã trở nên quen thuộc với dân lao động nghèo 2 năm qua HOÀI NHÂN
Một vị khách tỏ ra hài lòng về "dịch vụ" 0 đồng này HOÀI NHÂN
Tiệm cắt tóc “dã chiến” này được mở ra bởi một anh chàng gốc Sài Gòn, vốn là thợ cắt tóc có tiếng ở TP.HCM. Nhìn vẻ lạnh lùng và những hình xăm cực ngầu phủ kín cánh tay dài lên cổ, hẳn sẽ ít người nghĩ Lê Văn Khải (30 tuổi, ngụ Q.1) lại có hoạt động hỗ trợ người lao động nghèo khiến ai thấy cũng ấm lòng như thế.
Khải chia sẻ: “Mình sinh ra trong một gia đình rất khó khăn. Mình học nghề cắt tóc từ năm 16 tuổi, nhưng rồi không theo nghề mà phải lăn lộn bằng đủ thứ công việc khác để kiếm sống. Vậy mà làm ở đâu, cũng cắt tóc cho anh em ở đó hết. Cắt xong ai cũng khen, kêu cắt tiếp. Cách đây 5 năm, thấy không bỏ nghề được, mình quyết tâm mở tiệm tóc riêng và dần ổn định được cuộc sống, thế là nghĩ đến chuyện giúp lại người nghèo”.
Khải bộc bạch, trong những ngày tháng còn khó khăn, anh và một vài bạn bè trong nghề vẫn thường ghé quán cơm Nụ Cười 1 để ăn. Mỗi suất cơm hỗ trợ người lao động nghèo chỉ có giá 2.000 đồng, đã giúp anh tiết kiệm được phần nào chi phí sinh hoạt. Hiểu được cảm giác chắt chiu từng đồng bạc lẻ, giờ đây anh quyết tâm sẽ giúp lại những người còn đang khó khăn, bằng việc cắt tóc nam miễn phí đối diện quán cơm.
Những người thợ tỉ mỉ và chăm chú với công việc của mình HOÀI NHÂN
Được cắt tóc, cạo râu miễn phí, những chú xe ôm, phụ hồ, vé số đỡ được một phần chi phí sinh hoạt giữa thành phố đắt đỏ HOÀI NHÂN
Từ tuổi thơ khó khăn, Khải thấu hiểu sự vất vả của những người lao động nghèo, nên tổ chức dịch vụ 0 đồng này HOÀI NHÂN
Góc vỉa hè cắt tóc 0 đồng có gần 10 người đứng cắt, là các học trò và đồng nghiệp của Khải. “Do còn phải lo công việc chính để mưu sinh, đồng thời để không ảnh hưởng đến sinh hoạt, việc kinh doanh của các căn nhà cho mình mượn khoảng trống phía trước, nên nhóm mình chỉ cắt từ 11 giờ - 14 giờ thứ 3 – 5 – 7 trong tuần”, anh cho biết.

'Không có lương tháng, nhưng mà có lương tâm'

Anh Mai Quang Hữu (26 tuổi, ngụ Q.10, TP.HCM), một thợ cắt tóc ở tiệm tóc 0 đồng cho biết: “Mình theo anh Khải học nghề, rồi làm trong tiệm tóc của ảnh luôn. Thấy hoạt động này ý nghĩa, giúp được cho người nghèo nên mình đi theo ra cắt. Thay vì buổi trưa nghỉ ngơi, mình nhín chút thời gian để giúp cô chú ve chai, vé số tiết kiệm được chút tiền, cũng vui mà. Khách hàng ở đây đa số là những cô chú lao động chân tay, neo đơn hoặc có hoàn cảnh khó khăn. Họ đi ăn cơm bên quán Nụ Cười, rồi các cô bên đó sẽ giúp chỉ sang đây. Dần dần, người này bảo người kia tìm đến, nên tụi mình hớt được nhiều hơn”.
Lọc cọc dắt chiếc xe đạp cà tàng chở theo những túi ve chai to tướng, ông Nguyễn Văn Tài (62 tuổi, ngụ Q.5, TP.HCM), từ quán cơm 2.000 đồng ghé sang tiệm tóc. Những anh thợ tươi cười vì nhận ra khách quen. Chẳng cần nói thời nào, ông ngồi xuống ghế, những nhát kéo đã thoăn thoắt khiến mái tóc bù xù của ông trở nên gọn gàng. Hàm râu xồm xoàm cũng được thợ tỉ mỉ cạo sạch sẽ.
“Tôi vẫn thường đi ăn cơm từ thiện ở đây nè. Chân cẳng rệu rã rồi, làm nghề ve chai mà không có đi xa được, ngày kiếm tầm năm ba chục là dữ lắm rồi, nên phải chắt mót. Giờ cắt tóc bình dân cũng phải 30 - 35 nghìn, mà tóc tôi mau dài lắm. Bữa ăn cơm nghe mấy cô bán bảo mấy em hớt đẹp mà không lấy tiền nữa, nên qua thử. Thử một lần là chịu luôn, cắt miễn phí mà đứa nào cũng nhiệt tình, cẩn thận lắm”, ông Tài chia sẻ.
Anh Mai Quang Hữu, một học trò của anh Khải tham gia cắt tóc tình nguyện cho một bà cụ làm nghề ve chai. Ngoài tóc nam, những phụ nữ tóc ngắn thế này cũng được hỗ trợ cắt miễn phí HOÀI NHÂN
Ngoài giúp đỡ người lao động, những anh chàng cắt tóc cũng được dịp rèn luyện nâng cao tay nghề HOÀI NHÂN
Cạnh đó, ông Nguyễn Tấn Tới (65 tuổi, ngụ Q.4, TP.HCM) vừa ngồi vào ghế đã tấm tắc khen: “Đúng vậy, mấy bạn cắt kỹ còn hơn ngoài tiệm nữa, đâu phải cái gì miễn phí cũng tệ đâu! Mà nếu cắt không đẹp cũng không sao, dù gì đó cũng là cái tâm của mấy bạn, không quan trọng đẹp xấu đâu. Bữa tôi được thằng em chạy xe ôm chung chỉ chỗ này, nay là lần thứ 5 ghé rồi nè”.
Ông Tới cũng bộc bạch, ông có 2 con, nhưng làm ăn chẳng khá giả gì nên tự ông chạy xe ôm truyền thống kiếm sống. Mỗi ngày ông chỉ kiếm được vài ba chục, cùng lắm thì ngoài 100 nghìn đồng, nên tiệm tóc giúp ông chắt chiu được phần nào giữa thành phố đắt đỏ. Cắt xong, ông cười tươi nói với nhóm anh Khải: “Cảm ơn tụi con nghe! Làm này không có lương tháng, nhưng mà có lương tâm. Tích phước lắm đó”.
Hẳn ai cũng thấy ấm lòng khi bắt gặp tình người ngay trên vỉa hè Sài Gòn HOÀI NHÂN
“Chỉ cần nghe lời cảm ơn, hoặc thấy cô chú vui là tự nhiên tụi mình muốn làm tiếp hà. Lâu lâu, cô chú còn mang trái cây, bánh, nước đến cho nữa, vậy thôi chứ thấy ấm lòng lắm. Giúp người nhưng cũng là giúp mình. Các anh em ngoài học việc tại tiệm, khi ra đây cắt sẽ được dịp rèn luyện nâng cao tay nghề luôn. Nhưng dù ở đâu, mình vẫn luôn dặn dò các anh em phải tỉ mỉ, không cẩu thả, giúp người phải giúp cho tới, đồng thời làm đẹp cái nghề”, anh Khải cười.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.