Hình dáng nhỏ bé, chiếc áo phông in hình cờ đỏ sao vàng, đôi nạng gỗ màu trắng bé xíu của anh chênh vênh trên mỏm đá. Chiều cao của Lâm chỉ ngang bằng khối thép hình kim tự tháp đánh dấu ngọn Fansipan, nhưng anh nói: “Giờ đây tôi cao 3.143 m”.
“Không dấn thân sẽ không thể biết khả năng mình đến đâu. Lo lắng bỏ cuộc chẳng khác nào việc tự chọn lấy vai trò của kẻ thua cuộc từ khi chưa bắt đầu” - Sơn Lâm nói. |
Cứ để tôi tự đi
Sáng sớm chủ nhật (23 - 10), Nguyễn Sơn Lâm có mặt ở thị trấn Sa Pa mù sương. Anh mặc sẵn chiếc áo phông in hình cờ đỏ sao vàng, siết lại những chiếc ốc vít của đôi nạng cho thật chặt, đội chiếc mũ len nhỏ xíu lên đầu, mỉm cười và nói: “Sơn Lâm đã sẵn sàng”. Đồng hành cùng anh là những hướng dẫn viên du lịch của Cty Bình Minh, nhóm khuân vác người Mông và một số nhà báo, nhà làm phim.
Tại trạm xuất phát (Trạm Tôn), đoàn leo núi dành gần 1 tiếng để chuẩn bị cho Sơn Lâm những hành trang đặc biệt: bộ dây đai bảo vệ và dây thừng leo núi chuyên dụng. Chín giờ sáng, đoàn xuất phát, chiếc áo đỏ của Sơn Lâm khuất dần sau tán cây rừng xanh tươi.
Rừng già không hề khoan nhượng Sơn Lâm trong ngày đầu tiên của hành trình. Mọi vật đều quá to lớn so với Sơn Lâm. Những viên đá, đoạn đường dốc, con suối nhỏ róc rách, thân cây đổ vắt ngang đường chỉ là vật cản không đáng kể với người bình thường, đối với Sơn Lâm lại là thử thách lớn. Thân cây nào cũng cao ngang ngực hoặc quá đầu anh, những đoạn đường dốc khiến anh bặm môi giữ thăng bằng cho khỏi trơn trượt, những hòn đá khiến anh phải áp bụng, bám tay leo qua.
Sau khi vượt qua con suối đầu tiên, Sơn Lâm gần như bị choáng. Anh ngồi nghỉ, dốc ngược chai nước vào miệng, mồ hôi đầm đìa: “Quả thật tôi không ngờ đường đi lại kinh khủng như vậy”. Tuy vậy, anh luôn lắc đầu từ chối khi có bàn tay chìa ra. “Cảm ơn, cứ để tôi tự đi!”, anh luôn nói vậy.
Trong chặng đường 5km của ngày đầu tiên, Sơn Lâm chỉ chấp nhận sự giúp đỡ sau khi đã cố gắng mà không thể làm gì được.
Những đoàn khách du lịch (cả người Việt Nam và người nước ngoài) chứng kiến những cố gắng của anh và tỏ ra rất khâm phục. Họ chụp ảnh lưu niệm, khích lệ anh. Khoảng ba giờ chiều 23-10, Sơn Lâm chinh phục được độ cao 2.200 m.
Anh mất khoảng 6 tiếng để hoàn thành quãng đường mà người bình thường mất khoảng 1,5 - 2 tiếng để vượt qua. Lắc lư trên đôi nạng gỗ, với đôi vai đau nhức, anh chầm chậm đi xuống con dốc cuối cùng trong tiếng vỗ tay cổ vũ của nhiều khách du lịch cắm trại ở độ cao 2.200 m.
|
Chinh phục đỉnh cao
Thứ hai (24 - 10), trong khi chân còn đau nhức và cứng đờ vì hành trình của ngày hôm trước, Sơn Lâm và cả nhóm lên đường trong ánh sáng mờ ảo của bình minh. Đỉnh Fansipan còn quá xa phía trước.
Hướng dẫn của đoàn nói rằng đoạn đường từ độ cao 2.200 m đến 2.800 m có nhiều đoạn dốc gần như dựng đứng, phải bám rễ cây rừng leo lên. Nhiều người đã bỏ cuộc trên quãng đường này. Dù không ai nói với ai, tất cả đều quay sang Sơn Lâm, nhìn và chờ đợi. Sơn Lâm vẫn vui vẻ lên đường.
Sơn Lâm chỉ cao 90 cm, nặng 27kg và phải mua quần áo trẻ em để mặc. Lưng anh bị gù, hai chân cong gập với bàn chân bẻ quặt. Anh đi những đôi giày nhỏ xíu (cỡ 31). Đôi chân của Sơn Lâm khá yếu, nên phải dùng nạng chống khi đi lại. Toàn bộ sức nặng của cơ thể anh và việc di chuyển dựa trên sức mạnh của vai và cánh tay điều khiển đôi nạng. |
Đúng như lời người hướng dẫn, sau một chặng đi bộ leo dốc qua những quả đồi đủ làm đôi chân tê dại là những đoạn dốc tay vịn với lớp lớp tảng đá cao khiến một người lớn phải xoạc chân, bám tay vào những tay vịn bằng bê tông và đu mình lên trên mới vượt qua nổi.
Chỉ cần vài lần như vậy cũng đủ khiến đôi chân người bình thường mỏi nhừ. Những đoạn tay vịn cứ nối tiếp nhau kéo dài như vô tận…Sơn Lâm buộc phải nhận sự giúp đỡ của những người đi cùng đoàn.
Sau đoạn tay vịn, đoàn leo núi tụt dốc, rồi lại leo lên vượt qua một đoạn rừng già với nhiều gốc đỗ quyên cổ thụ, những tảng đá lớn bám đầy rêu và sương lạnh nằm bên miệng vực. Khách du lịch leo qua những tảng đá bằng những thang kim loại đã được gắn sẵn. Sơn Lâm cũng trổ tài leo thang bằng cách thả mình xuống từng nấc.
Thoạt tiên là tay, rồi đến thân mình, đầu gối, bàn chân, rồi lại đến tay, thân mình…Cứ như vậy, anh trượt người giữa từng nấc thang (trong khi người bình thường có thể dùng chân). Bởi vậy nếu chẳng may bị sượt tay ngã, chắc chắn anh sẽ lọt qua giữa hai nấc thang và rơi xuống vực…Vậy mà Sơn Lâm không sợ, anh thậm chí còn biểu diễn màn chống tay trụ người trên thang để làm dịu bớt sự lo lắng của những người đi cùng.
|
Vượt qua những vực đá trong rừng đỗ quyên, đoàn leo núi đạt đến độ cao 2.800 m. Dù tim đã đập nhanh, chân đã run vì đói và mỏi mệt, đoàn leo núi vẫn tiếp tục hành trình với mục tiêu chinh phục bằng được đỉnh Fansipan trong buổi chiều. Những tảng đá tiếp tục nhô ra chắn ngang đường, Sơn Lâm lại cần đến sự giúp đỡ.
Vào khoảng hơn hai giờ chiều 24-10, đoàn lên đến đỉnh Fansipan. Ngọn tháp nhỏ bằng kim loại hiện ra trên nóc những tảng đá lớn đánh dấu ngọn núi cao nhất Đông Dương. Lúc này những tảng đá không còn quá lớn đối với Sơn Lâm nữa.
Anh chầm chậm bò lên những tảng đá cỡ lớn bằng chiếc chiếu, chống đôi nạng và tiến đến chạm tay vào đỉnh ngôi tháp nhỏ. Niềm vui tỏa ra từ tiếng cười vang hạnh phúc. Anh dang rộng cánh tay như muốn ôm gọn bầu trời. Gió lạnh thổi làm tung bay lá cờ Tổ quốc anh khoác trên người…
Sau chuyến đi, Sơn Lâm định sẽ tổ chức buổi nói chuyện về Fansipan với sinh viên tại Đại học Thủy Lợi để truyền lửa cho bạn trẻ.
Sơn Lâm chỉ cao 90 cm, nặng 27kg và phải mua quần áo trẻ em để mặc. Lưng anh bị gù, hai chân cong gập với bàn chân bẻ quặt. Anh đi những đôi giày nhỏ xíu (cỡ 31). Đôi chân của Sơn Lâm khá yếu, nên phải dùng nạng chống khi đi lại. Toàn bộ sức nặng của cơ thể anh và việc di chuyển dựa trên sức mạnh của vai và cánh tay điều khiển đôi nạng.
Theo Tiền Phong
Bình luận (0)