Chàng trai nuôi heo và Giải thưởng Lương Định Của

22/06/2015 09:47 GMT+7

Không ngừng học hỏi và biết phát huy thế mạnh của địa phương trong phát triển kinh tế trang trại, Nguyễn Minh Thắng (20 tuổi, ngụ xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, Đồng Nai) vinh dự được T.Ư Đoàn trao tặng Giải thưởng Lương Định Của 2015.

Không ngừng học hỏi và biết phát huy thế mạnh của địa phương trong phát triển kinh tế trang trại, Nguyễn Minh Thắng (20 tuổi, ngụ xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, Đồng Nai) vinh dự được T.Ư Đoàn trao tặng Giải thưởng Lương Định Của 2015.

Nguyễn Minh Thắng bên vườn cây trĩu quả

Ngoài Nguyễn Minh Thắng, năm 2015, tỉnh Đồng Nai còn có 2 thanh niên khác là Cao Vĩnh Phát (xã Phú Hội, H.Nhơn Trạch) và Trương Đình Khánh (xã Hàng Gòn, TX. Long Khánh) là 3 trong số 150 thanh niên nông thôn tiêu biểu của cả nước đạt thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, kinh doanh, phát triển ngành nghề nông thôn; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới, được tặng Giải thưởng Lương Định Của 2015.
Sinh ra trong gia đình thuần nông, từ nhỏ, Thắng đã quen với công việc chăn nuôi, trồng trọt.
Năm 2009, sau khi tốt nghiệp THPT, Thắng tiếp quản nghề nuôi heo của gia đình. Qua tìm hiểu, học hỏi các mô hình làm kinh tế trên địa bàn, Thắng đã chọn mô hình chăn nuôi theo hình thức lấy ngắn nuôi dài.
Với số vốn ban đầu được gia đình hỗ trợ, Thắng đầu tư nuôi 200 con heo thịt, 30 con heo nái và canh tác vườn chôm chôm trên diện tích gần 1 ha của gia đình.
Việc chăn nuôi, sản xuất tiến triển khá thuận lợi đã tạo động lực để Thắng tiếp tục đầu tư với quy mô lớn hơn.
Chàng thanh niên trẻ bắt đầu quy hoạch, mở rộng quy mô, xây dựng lại hệ thống chuồng trại… để chăn nuôi theo hướng chuyên nghiệp.
Một khu chuyên nuôi heo với 40 con heo nái sinh sản, hơn 400 con heo thịt siêu nạc được hình thành. Thắng còn tận dụng phân heo để chăm bón cho cây trồng, nhờ đó tránh được việc xả thải gây ô nhiễm môi trường và tiết kiệm chi phí.
Thắng cho hay, nhờ đầu tư sản xuất, chăn nuôi theo hình thức khép kín này nên hiệu quả kinh tế đem lại cao, giảm được chi phí đầu tư, mặt khác hạn chế được dịch bệnh xảy ra trên đàn heo.
Hiện nay, bình quân mỗi năm, trại heo của Thắng xuất bán ra thị trường từ 700 đến 800 con heo thịt, thu về khoảng 4 tỉ đồng; trừ chi phí còn lãi khoảng 700 triệu/năm.
Khi trại nuôi mở rộng, phân thải ra nhiều, để tận dụng số phân thải này Thắng đã mở rộng diện tích trồng cây ăn quả. Số cây chôm chôm lâu năm trong vườn năng suất kém được Thắng mạnh dạn thay thế bằng mít cao sản, măng cụt và bơ.
Đến nay, vườn cây ăn quả của gia đình bắt đầu cho thu hoạch. Mỗi năm, thu nhập từ bán trái cây cũng xấp xỉ 30 - 40 triệu đồng.

Trại heo của Thắng bình quân mỗi năm cho thu nhập từ 700 - 1 tỉ đồng

“Sắp tới, mình sẽ cố gắng mở rộng trang trại với quy mô 100 con heo nái sinh sản và khoảng 1.000 heo thịt siêu nạc”, Thắng cho biết.
Để có kiến thức tốt hơn phục vụ cho hoạt động kinh tế trang trại, năm 2010 Thắng tiếp tục theo học lớp vừa học vừa làm của một trường đại học ở TP.HCM.
Mặc dù bận rộn với việc học và chăm sóc trang trại nhưng Thắng vẫn tích cực tham gia vào phong trào đoàn ở địa phương. Hiện Thắng được tín nhiệm bầu làm Phó bí thư Đoàn xã Gia Kiệm, là một trong những hạt nhân tiêu biểu của phong trào Đoàn ở địa phương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.