TNO

Chàng trai Việt ăn tết ở khắp thế giới

28/01/2014 00:00 GMT+7

(iHay) Rong chơi qua những nền văn hóa khác nhau trong những ngày xuân luôn là điều rất thú vị.

(iHay) Khởi đầu hơi muộn hơn so với bạn bè mê xê dịch, mãi đến năm 27 tuổi anh Nguyễn Chí Linh mới bắt đầu chuyến hành trình du lịch của mình. Ngoài khám phá những miền đất mới, tìm hiểu về văn hóa khắp nơi thì thưởng thức ẩm thực địa phương cũng là lý do thúc đẩy anh đặt dấu chân qua nhiều châu lục từ Á đến Phi, từ châu Âu qua châu Mỹ. Anh đã dành 8 năm cho hành trình qua 61 quốc gia.

>> Làm đám cưới 22 lần trên khắp thế giới

 Người ăn tết khắp thế giới 1

Ngày tết cổ truyền ở Việt Nam thường rơi vào tháng 1 hay tháng 2, trong khi ngày tết của các quốc gia Trung, Tây Á và Ấn Độ lại rơi vào tháng 3. Rong chơi qua những nền văn hóa khác nhau trong những ngày xuân và khám phá những món ăn cổ truyền luôn là điều thú vị.

Ăn tết ở đất nước Nghìn lẻ một đêm

Nhiều người “ham” nước lạ, đi nhiều nhưng khó có ai ghi nhớ từng chi tiết như anh Linh. Anh Linh thường cố ý chọn các chuyến đi chơi sao cho trùng với ngày tết năm mới ở nước sở tại. Có năm, anh ăn tết của người Ba Tư, ở xứ sở của câu chuyện Nghìn lẻ một đêm nổi tiếng.

 Người ăn tết khắp thế giới 2

Nowruz là ngày tết cổ truyền Iran theo lịch cổ của người Ba Tư. Theo ngôn ngữ Ba Tư, “Now” có nghĩa là “ngày” và “Ruz” là “mới”. Nowruz thường kéo dài đến 13 ngày. Ngày đầu ở Iran, anh Linh được mời dùng bữa ăn ngày tết gọi là Haft Sin với 7 loại thức ăn truyền thống đều bắt đầu bằng chữ “S”.

Bảy loại thức ăn thường là: chồi non của đậu lăng (sabzeh), mầm lúa mì (samanu), quả nhót đắng phơi khô (senjed), tỏi (sir), táo (sib), quả muối (somaq) và giấm (serkeh). Trong những ngày tết cổ truyền, buổi sáng người Iran thường dùng món faloodeh.

Đó là món bún nấu trong nước đường trộn hương liệu, để lạnh. Buổi trưa và tối thường dùng món cơm sabzi polo mahi và kookoo sabzi. Món cơm sabzi được nấu với nhiều thảo dược như rau mùi tây, thì là, lá cà ri... ăn kèm cá chiên cháy cạnh. Kookoo là dạng ommelette bao gồm hỗn hợp trứng với các loại thảo dược nói trên cùng với quả óc chó.

 Người ăn tết khắp thế giới 3

Với kinh nghiệm “đi bụi” 8 năm, từng đi qua 61 nước, trên blog cá nhân, anh Linh luôn cố gắng kể lại tỉ mỉ hành trình của mình để những ai muốn đi có thể dựa vào đó tìm thông tin chính xác. Nhiều bạn trẻ mê đi chơi xa đã tìm được thông tin visa, chỉ dẫn đường đi, những chuyện phương xa từ trang cá nhân của anh.

Anh Chí Linh vẫn còn nhớ “đĩa mùi vị” trong dịp Tết Ugadi của người Ấn Độ. Theo ngôn ngữ Sanskrit, “Ug” có nghĩa là “tuổi” và “adi” nghĩa là “bắt đầu”. Ugadi có nghĩa là “bắt đầu tuổi mới”. Tùy từng vùng khác nhau mà những tộc người khác nhau ở Ấn Độ lại có những tên gọi cho ngày tết cổ truyền của họ. Cũng tùy theo cách tính lịch saka khác nhau mà Tết Ugadi không có ngày cố định trong năm, có khi rơi vào tháng 3 nhưng đôi khi lại nằm trong tháng 4.

 Người ăn tết khắp thế giới 4

Trong ngày Tết Ugadi, người Ấn Độ phải ăn “đĩa mùi vị” (ugadi pachhadi) tượng trưng cho những cung bậc tình cảm khác nhau trong cuộc sống. Chồi non hay hoa cây neem với hương vị đắng tượng trưng cho nỗi buồn. Đường thốt nốt hay một trái chuối chín cho sự ngọt ngào hạnh phúc. Ớt xanh hoặc tiêu với hương vị cay nồng cho sự nổi giận. Muối với vị mặn cho sự sợ hãi. Nước chanh vắt với hương vị chua cho sự ghê tởm. Xoài xanh với vị chua chát cho sự ngạc nhiên.

Khi đi theo “con đường tơ lụa” đến đất nước Kyrgyzstan, anh Linh may mắn được một gia đình người bản địa mời thưởng thức một bữa cơm truyền thống của họ. Trong bữa cơm, có 2 món ăn đặc biệt theo hai trường phái khác nhau là cơm plov, giống kiểu cơm chiên của người phương bắc và món mì besh barmak của miền nam được nấu chung với thịt gà, hoặc thịt cừu, ngựa, dê... Bữa cơm đầm ấm không khí gia đình khiến anh nhớ mãi.

Tết ở châu Phi xa xôi 

Đầu năm 2013, anh Nguyễn Chí Linh lần đầu tiên ăn tết ở châu Phi. Hai quốc gia anh đến là Kenya và Tanzania. Dù là quốc gia theo đạo Hồi, cũng ăn bốc nhưng tết cổ truyền của 2 quốc gia ở phía đông Phi châu lại trùng với lịch dương của người phương Tây.

 Người ăn tết khắp thế giới 5

Cũng như các quốc gia khác chọn ngày tết truyền thống là Tết dương lịch, người dân Kenya hay Tanzania nô nức đón tết từ trước ngày Giáng sinh. Đêm giao thừa là buổi tiệc kết nối tình yêu thương giữa các thành viên trong gia đình.

Trong bữa ăn trang trọng này, món ăn ugali hay sukuma wiki truyền thống là không thể thiếu. Ugali được nấu từ bột bắp cho đến khi nhựa lên và trông rất giống cơm. Sukuma wiki là loại rau củ hỗn hợp đem hầm với các loại thịt, đặc biệt là thịt bò.

Theo lời kể của anh Linh, khi những người Ấn Độ theo những cánh buồm rong ruổi đến Đông Phi để kinh doanh gia vị và định cư tại đây, họ đã thay đổi văn hóa ẩm thực của những người bản địa. Ugali hay sukuma wiki đều sử dụng những loại nước chấm đặc biệt được chế biến từ cà ri của người Ấn.

Mỗi mùa xuân, khi bạn bè quây quần bên gia đình, tết của anh Linh lại là những kỷ niệm mùa xuân “giong buồm” đến vùng đất xa lạ mừng năm mới với những người lạ mà như thân thương từ lâu lắm rồi. 

Những cái nhất của chợ

 Người ăn tết khắp thế giới 6

Để biết văn hóa của vùng đất mình đi qua, anh Linh luôn tìm đến chợ. Theo đánh giá riêng của anh thì:

- Bày bán trái cây mà trưng bày đẹp thấy muốn ăn phải kể đến chợ ở khu vực Trung Đông.

- Mứt chà là “ngon mắt” nhất là ở Ma Rốc.

- Chợ bán món nướng hấp dẫn nhất là ở phố Nam Kinh, Bắc Kinh (Trung Quốc).

- Chợ gia vị rực rỡ nhất cũng tại Ma Rốc.

- Chợ có người Việt bán hàng nhiều nhất là chợ Sĩ Liên ở Đài Loan.

- Chợ mua đồ không trả giá là các chợ đồng giá ở Nhật.

- Chợ bán vàng hoành tráng nhất là Dubai.

- Chợ bán cá ấn tượng nhất là Oman vì người mua người bán đều bận áo truyền thống dishdasha.

- Chợ huyền thoại nhất là Muttrah ở Oman và Grand Bazaar ở Thổ Nhĩ Kỳ.

- Chợ kỳ lạ nhất là chợ Container ở Kyrgyzstan.

- Chợ ăn hải sản rẻ nhất là bến tàu ngư phủ ở San Francisco (Mỹ).

- Chợ mua trái cherry ngon nhất là chợ người Việt ở Úc.

- Chợ sắc màu nhiều nhất là chợ vải Azam, Pakistan.

- Chợ bán đồ ăn nhiều nhất là ở Chang Mai, Thái Lan.

 

Nguyên Trang
Ảnh: Nguyễn Chí Linh

>> Đi khắp thế giới cùng… bộ xương
>> Tham quan đài phun nước khắp thế giới
>> Du lịch khắp thế giới cùng “cô dâu giấy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.