Đã vài ngày trôi qua kể từ khi con sóng dữ cướp đi người bạn thân thiết Nguyễn Hoàng Hiếu Dân (27 tuổi, quê Lâm Đồng) ngày 21.7 trong chuyến du lịch cùng nhau ở đảo Bali (Indonesia), chị N. và anh T. vẫn chưa thể tin được những gì vừa xảy đến trong chuyến du lịch khám phá hòn đảo xinh đẹp này.
Sáng 24.7, thi thể Dân đã về tới sân bay Tân Sơn Nhất và được người nhà đưa về Đà Lạt để lo hậu sự. Trước đó, anh H., một người bạn cũng đi cùng chuyến, đã về trước để lo phần thủ tục nhận thi thể. Đến 12 giờ trưa, sau khi chắc chắn chuyến bay đưa thi thể Dân về tới nơi an toàn, anh T. và chị N. mới lên máy bay về Việt Nam.
2 phút sinh tử trước con sóng dữ
Chị N. và anh T. là người Việt định cư tại Mỹ. Từ đầu tháng 7, anh chị về Việt Nam để dự đám cưới chị gái anh T. Sau đám cưới, nhóm bạn 4 người chơi thân gồm: chị N., anh T, anh H. và anh Hiếu Dân cùng nhau đi Bali như kế hoạch đã bàn trước đó. Chi phí của chuyến đi này là tiền tiết kiệm của cả 4 người dồn lại. Chẳng thể nào ngờ được, đây lại là chuyến đi cùng nhau cuối cùng của nhóm bạn thân…
Ngày 15.7, cả nhóm xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) với sự háo hức khám phá vùng đất mới. Sau những ngày đầu nghỉ dưỡng, sáng 21.7, cả nhóm quyết định đến bãi biển Keling King nổi tiếng. “Để xuống được bãi biển cát trắng phau, nước biển xanh ngắt, tụi mình phải đi một chặng đường rất xa từ trên đỉnh núi đi xuống chân núi. Trời nắng gắt, đường đi khó khăn nhưng vì đi du lịch nên không ai thấy mệt mỏi. Gần 1 tiếng tụi mình mới xuống được bãi biển”, chị N. kể lại.
|
Xuống tới bãi biển, chị N. và anh T. ngồi gần nhau, anh Dân ngồi phía sau, anh H. thì đi dạo gần đó chụp hình. Khoảng 13 giờ 15 phút, bất ngờ một con sóng cao 6m ập vào, cuốn chị N., anh T, anh Dân cùng 1 người nước ngoài ra biển khơi.
Vẫn còn sợ hãi, chị N. nhớ lại: “Tụi mình nhìn sóng rất êm, không hề thấy ngọn sóng nào mà bất ngờ sóng cao ập vào, mình bị cuốn ra uống rất nhiều nước, chỉ kịp kêu “Help me, help me”. Lúc bị cuốn ra ngoài rồi, anh T. ở gần mình nên ảnh chụp lấy tay mình. Mình vừa ngoi lên thở được 10 giây thì con sóng cao nữa lại liên tiếp ập vào. Mình nghe thấy trên bờ có tiếng tri hô, nhưng không thấy mọi người chạy ra cứu tụi mình mà chạy về hướng khác nên mình nghĩ chắc mình sẽ không xong rồi. Sau đó, mình nhìn thấy mọi người kéo anh Dân vô. Rồi có 2 người quăng phao cho tụi mình và bơi ra cứu khách nước ngoài. Mình vừa chạm tay đụng phao thì con sóng cao thật cao nữa tạt đẩy mình vào bờ”.
Lồm cồm bò dậy, ọc nước, chị N. vẫn chưa hiểu chuyện gì vừa xảy ra vì mọi thứ chỉ diễn ra trong vòng 2 phút quá nhanh và bất ngờ. Anh T. và chị N. vội chạy qua chỗ anh Dân thì thấy Dân nằm bất động, không nhắm mắt. Nhìn bạn nằm yên, anh H. không giữ được bình tĩnh, nhóm khách du lịch sợ anh nghĩ quẩn nên đưa anh ra khu vực khác. Khách Tây trên bờ biển thay phiên nhau hô hấp nhân tạo, ép tim cho Dân. Anh T. liên tục lay tay kêu “Dân ơi, mở mắt ra”. Còn chị N. xoa bàn chân, nhưng anh Dân vẫn không có tín hiệu gì…
|
10 phút sau, linh cảm không lành, anh T. chạy ngược lại lên núi để tìm cứu hộ. Dọc đường gặp du khách hay người dân bản địa anh đều nhờ xuống cứu bạn của mình… Nửa tiếng sau, sốt ruột, anh chạy trở lại bãi biển. Thấy bạn vẫn nằm bất động, anh T. thất thần, liên tục gọi tên bạn mà không hay biết bàn chân của mình vừa bị đá găm chảy máu bê bết.
Dù anh Dân vẫn nằm yên như vậy, dù hi vọng từng giây phút trôi qua lại càng mong manh, nhưng anh T. và chị N. vẫn nhờ mọi người cấp cứu bạn mình để chờ đội cứu hộ.
Gần 3 tiếng sau, đội cứu hộ đến. Họ mang theo một túi đựng thi thể… Mọi hi vọng dập tắt hoàn toàn. Ba người bạn đi cùng gục ngã trên bờ biển vì biết đã mãi mãi mất Dân…
‘Mong không còn câu chuyện buồn nào nữa’
|
Đau đớn, anh T. nghẹn lời: “Tôi không nghĩ mọi chuyện lại có thể quá nhanh như vậy. Chỉ trong vòng 2 phút, khi được đưa vào bờ Dân đã nằm yên bất động. Trong giây phút bất lực bám víu những hi vọng mỏng manh, chúng tôi đã làm tất cả những gì có thể, mọi người có mặt ở bãi biển dù không quen biết vẫn hỗ trợ hết mình nhưng vẫn không níu được Dân ở lại…”.
Sau khi biết tin, cha của Dân ngã quỵ nhưng vì điều kiện không cho phép ông sang Indonesia nên ông ủy quyền cho T. đưa thi thể con trai về nước. Vì không kịp chuyển tiền từ tài khoản ở Mỹ sang Indonesia nên anh T. đã vay hết số tiền mừng đám cưới vừa tổ chức của chị gái để đưa bạn sớm về với gia đình. Nghĩ tới cậu bạn thân, T. ứa nước mắt: “Đây cũng là điều cuối cùng mà T. mong muốn có thể làm được cho Dân”.
Được biết, bãi biển mà nhóm bạn của anh T. đến là bãi biển nổi tiếng xinh đẹp ở Bali, nhưng không có người cứu hộ, cũng không có biển cảnh báo nguy hiểm mà chỉ có 2 cái phao móc trên cây. Anh T. mong muốn chính quyền Indonesia sẽ có những biện pháp đảm bảo an toàn cho khách khi tới bãi biển này.
Như nhiều nhóm bạn trẻ khác, để tiết kiệm chi phí, nhóm của anh T. tự tìm hiểu các điểm đến và tự sắp xếp cho chuyến đi của mình mà không mua bảo hiểm du lịch. Anh T. tâm sự: “Việc đi du lịch tự túc sẽ tiết kiệm chi phí, trải nghiệm được nhiều điểm nhưng cũng có hai mặt, có những nguy hiểm mình không thể lường trước được. Tôi mong ai đi du lịch cũng sẽ cẩn trọng hơn, nên kiếm ai rành về vùng đất mình đến để được hướng dẫn. Đặc biệt, học bơi không bao giờ là thừa. Tôi mong không còn câu chuyện đau lòng nào tương tự xảy ra nữa…”.
Bình luận (0)