Chạnh lòng

12/01/2017 06:01 GMT+7

Đọc thông tin dự báo của MasterCard "Người Việt đi du lịch nước ngoài đứng thứ 2 châu Á" vào năm 2021 vừa vui lại vừa chạnh lòng.

Vui bởi để đi du lịch nước ngoài được nhiều như vậy, chắc chắn thu nhập, mức sống của người Việt phải cao, phải tăng thì chi tiêu cho nhu cầu vui chơi, giải trí mới tăng. Thực tế mấy năm trở lại đây, số lượng người Việt chọn đi du lịch nước ngoài vào các dịp lễ, tết đã tăng rất mạnh. Nếu trước kia là Thái Lan, Singapore, Malaysia... thì gần đây, Nhật, Hàn rồi châu Âu, Mỹ... được nhiều người lựa chọn.
Nhưng vui đấy rồi nghĩ cũng chạnh lòng. Vẫn biết rằng hội nhập, mở cửa thì "có đi có lại", mình ra nước ngoài chơi thì người nước ngoài cũng vào VN du lịch. Nhưng giữa cái "ta đi ra" và "họ đi vô" lại đang có sự khác nhau rõ rệt về chất lượng. Đơn cử như chi tiêu, nhiều thống kê cho thấy, người Việt khi đi du lịch nước ngoài chi tiêu khá mạnh tay.
Cuối năm 2015 một kênh truyền hình lớn của Nhật phát một phóng sự cho thấy, người Việt chi tiêu mạnh nhất trong các du khách khi đến Nhật, hơn cả khách Trung Quốc và Úc. Theo đó, mỗi khách du lịch VN sang Nhật tiêu trung bình khoảng 44,7 triệu đồng tính theo tỷ giá thời điểm đó. Số liệu thống kê từ Hiệp hội Lữ hành VN tổng hợp báo cáo nguồn khách từ các nước cho thấy, trong vài năm gần đây, bình quân mỗi năm có khoảng 5 triệu lượt người VN đi du lịch nước ngoài, chi tiêu hơn 6 tỉ USD. Riêng năm 2016 có tới 6,5 triệu người Việt đi du lịch nước ngoài, chi tiêu khoảng 7 - 8 tỉ USD. Thế nhưng ngược lại, đầu "họ đi vô" chi tiêu lại hết sức khiêm tốn. Việc du khách đến VN có khi chỉ tiêu 5 - 7 USD/ngày, mua chai nước, mua bánh mì, tự thuê xe máy, xe đạp đi... vẫn đang khiến tất cả chúng ta cảm thấy chạnh lòng.
Chạnh lòng hơn khi ngày càng có nhiều người Việt chọn đi du lịch nước ngoài thay vì các điểm đến trong nước. Giá tour rẻ, cách làm du lịch chuyên nghiệp... là những ưu điểm khiến đi du lịch nước ngoài vào các dịp lễ, tết, thậm chí đi nghỉ cuối tuần hay đơn giản là mua sắm... trở thành lựa chọn của nhiều người, nhiều gia đình. Cũng khó trách vì ngay trong chính sách bán tour của các công ty lữ hành trong nước cũng thiên về "động viên" người Việt đi du lịch nước ngoài thông qua việc giảm giá tour, khuyến mãi, tour trả góp... Trong khi các tour nội địa thì đơn điệu, giá cao và việc quảng bá cũng khiêm tốn.
Năm nay VN đón 10 triệu du khách nước ngoài, đây được xem là "kỳ tích tăng trưởng" của ngành này. Sự tăng trưởng này càng hiệu quả hơn nếu dịch vụ đáp ứng cho họ ngày càng phong phú hơn, chất lượng hơn, đa dạng hơn... để họ có thể tiêu tiền nhiều hơn nữa...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.