Ai bảo vệ người nghèo ?

15/11/2014 04:50 GMT+7

Không có tài sản thế chấp , người nghèo, sinh viên coi các công ty tài chính như nguồn trợ giúp vì không thể tiếp cận được ngân hàng. Nhưng ít người biết rằng, ngay sau khi đặt bút ký hợp đồng, rất nhiều khoản vay trở thành gánh nặng đeo bám họ. Thậm chí, nhiều gia đình sống không yên ổn vì bị đe dọa khởi kiện, bị khủng bố điện thoại, tin nhắn đòi nợ.

Nói về mức lãi vay tiêu dùng trung bình áp dụng trên thị trường khoảng 50% của các công ty tài chính, đặc biệt lên tới gần 86%/năm mà Home Credit áp dụng với nhiều khách hàng, tất cả những người được hỏi đều kêu trời. Họ kêu trời bởi đây là mức quá cao so với mặt bằng lãi suất chung hiện nay, quá cao so với những khó khăn của nền kinh tế và đặc biệt, nó thực sự khủng khiếp khi đối tượng áp dụng hầu hết là người nghèo. Nếu biện minh rằng mức lãi vay trên trời này đã được thỏa thuận giữa hai bên thì đây là một sự trả giá quá đắt đỏ. Họ phải trả giá vì nghèo, không có tài sản thế chấp; trả giá cho thủ tục nhanh gọn mà các công ty tài chính cung cấp bằng gánh nặng nợ nần lên khoản thu nhập ít ỏi của mình, của gia đình mình. Nhưng nếu nói như vậy, không lẽ chúng ta để người nghèo bị bóp nghẹt từ chính các dịch vụ tài chính được cấp phép hoạt động?

Vậy ai sẽ đứng ra bảo vệ người nghèo trước ma trận lãi suất từ công ty tài chính? Việc này cần sự phối hợp từ nhiều phía. Đầu tiên chính là người vay, họ phải bảo vệ mình bằng cách đọc kỹ hợp đồng, hỏi kỹ các vấn đề chưa rõ, xem kỹ mức lãi vay, mức phạt trả chậm, các loại phí... vốn hay bị các nhân viên của công ty tài chính mập mờ khi giải thích. Quan trọng hơn, thị trường vay tiêu dùng hiện nay đã có sự tham gia của rất nhiều công ty tài chính, tổ chức tín dụng với nhiều mức lãi vay để khách hàng có thể lựa chọn. Người vay nên bình tĩnh "dạo qua" một vòng "chợ" lãi suất để tìm được gói vay với mức lãi thấp nhất có thể. Để làm được điều này, cần có sự phối hợp của các trung tâm điện máy, các điểm mua sắm trả góp trong việc mở rộng hợp tác với nhiều công ty tài chính, nhiều tổ chức tín dụng nhằm đa dạng hóa các khoản vay, mức lãi vay cho khách hàng. Điều này cũng thể hiện trách nhiệm, uy tín và chất lượng của điểm mua sắm trong mắt người tiêu dùng. Cuối cùng là cơ quan quản lý trong việc kiểm soát mức lãi vay để vừa giảm thiểu rủi ro cho công ty tài chính nhưng vẫn bảo vệ được người vay.

Chúng ta không thể chốt một câu "thỏa thuận" rồi để mặc các công ty tài chính đẩy lãi suất trên trời. Sẽ là thiếu công bằng khi cùng chịu tác động của cuộc khủng hoảng, cùng chịu tác động của khó khăn kéo dài nhưng lãi vay sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp thì được chú trọng giảm còn lãi vay tiêu dùng cá nhân (mà đối tượng là chủ yếu là người nghèo) lại bị thả nổi.

Câu chuyện “vay ngọt, trả đắng”, những vụ kiện tụng giữa đơn vị cho vay và người vay diễn ra đã lâu nhưng chưa bao giờ hết nóng bởi mấu chốt cuối cùng của việc này chính là mức lãi suất quá cao mà các công ty tài chính đang thoải mái áp dụng trên thị trường tài chính cho các khách nghèo.

Đã đến lúc phải có những biện pháp mạnh tay để bảo vệ người vay.

Nguyên Khanh

>> È cổ trả lãi vay tín chấp
>> Nới tín chấp, coi chừng nợ xấu
>> Vay tín chấp chiếm 12,5% dư nợ tín dụng
>> Vay tín chấp tưởng rẻ hóa đắt
>> Cho vay tín chấp: Chặt đẹp !

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.