Án phạt thật cho tin giả

Mai Hà
Mai Hà
13/03/2019 04:54 GMT+7

Tin tức là giả, nhưng hậu quả gây ra là thật.

20 triệu đồng là án phạt của Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT-TT) dành cho chủ fanpage Đầm bầu Mami vì hành vi đưa thông tin giả mạo, kêu gọi tẩy chay thịt heo giữa cơn bão dịch tả lợn châu Phi, thổi bùng thêm hoang mang trong cộng đồng.
Đáng nói, án phạt này là khá hiếm hoi giữa hàng nghìn tin tức giả mạo được lan truyền mỗi ngày.
Xuất hiện năm 2016 trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, thuật ngữ fake news (tin giả) đã cho thế giới thấy sức mạnh đáng sợ khi những tin tức giả, thiếu kiểm soát được tung ra và chia sẻ chóng mặt.
Tin tức là giả, nhưng hậu quả gây ra là thật. Với 58 triệu người VN đang sử dụng Facebook, trong đó có tới 42 triệu người sử dụng mỗi ngày, mức lan tỏa và sức tác động của những lần “share” (chia sẻ) thiếu trách nhiệm là vô cùng khủng khiếp.
Ban đầu những fake news chỉ là trò câu like cho vui với những thông tin giật gân, tin tức cắt ghép, hình ảnh gợi sự thương cảm hoặc gây kích động, sau đó đã được sử dụng như công cụ tăng like, tăng follow (theo dõi) để bán hàng của những shop online bất chấp hậu quả. Ở mức độ cao hơn, fake news được dàn dựng công phu gây ra rối loạn thông tin để kiếm tiền, mà điển hình vừa qua tại Đà Nẵng, một số cò đất đã tung tin giả trên Facebook về việc sắp có quận mới được thành lập, để thổi giá đất vùng ven lên cao. Fake news còn được sử dụng với mục đích chính trị khi hàng loạt fanpage giả mạo hoặc phản động đã được lập ra, với những thông tin gây kích động, thù hằn dân tộc.
Thậm chí, ngay cả câu chuyện đến từ những luồng tin chính thống nhất đôi khi lại là thông tin sai lệch. Vụ việc “cô giáo vào nhà nghỉ với học sinh” tại Bình Thuận là một bài học lớn cho báo chí về việc phải kiểm chứng tất cả các nguồn trước khi đưa thông tin, bởi bất kỳ sự sai lệch nào cũng có thể giết chết danh dự một con người. Một nam sinh không liên quan vụ việc bất ngờ bị đăng ảnh lên báo dẫn tới phải nghỉ học, suy sụp, nhưng tới nay cũng chưa có bất kỳ lời xin lỗi nào được đưa ra.
Khi những thông tin giả được lan truyền quá nhiều, lòng tin với những tin tức chính thống cũng giảm sút, bởi giữa một rừng thông tin hư hư thực thực, người dân không biết nên tin vào đâu.
Để đối phó với tin giả, Đức đã ban hành luật ngăn chặn tin giả, Pháp và Nga đưa ra mức phạt tin giả lên tới hàng chục nghìn euro và 1,5 triệu rúp (22.700 USD)... Nếu so ra, mức phạt hành chính của VN còn khá hạn chế và chưa đủ tính răn đe.
Về phía cơ quan quản lý, việc tăng mức phạt, xử nghiêm những thông tin bịa đặt, xuyên tạc là cần thiết bên cạnh việc bổ sung thêm những quy định mang tính ràng buộc không chỉ với người sử dụng mà với chính Facebook, Google. Với người sử dụng, cần tỉnh táo với mỗi lần like, share trên mạng, để chính chúng ta không trở thành nạn nhân của tin giả, cũng như dễ dàng phán xét người khác mà quên đi trách nhiệm của chính mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.