An toàn tính mạng là trên hết

28/10/2020 04:35 GMT+7

Chưa kịp bước qua hậu quả của trận lũ “lịch sử” gây nhiều tổn thất nghiêm trọng thì miền Trung lại phải gồng mình đối mặt với cơn bão Molave (bão số 9) được xếp mức “cơn cuồng phong” đổ bộ đất liền hôm nay.

Chỉ đạo của Thủ tướng: An toàn tính mạng phải là trên hết!
Ban Chỉ huy tiền phương ứng phó bão số 9 của các địa phương chạy đua nước rút với thời gian để kịp thu xếp an toàn cho người dân.
Quân đội đã vào cuộc từ rất sớm để hỗ trợ người dân. Chính quyền địa phương các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên đã chủ động di tản hàng trăm ngàn hộ dân sống ở những khu vực xung yếu đến nơi an toàn hơn.

Đàn ông, phụ nữ, người già, người trẻ kéo nhau đi giúp đẩy thuyền lên bờ tránh bão

Điều đáng lo lắng là tâm lý sợ mất tài sản nên vẫn cố bám trụ để canh giữ lồng bè nuôi tôm cá, ở lại trên thuyền mà không chấp hành lệnh di tản khẩn cấp.
Những mất mát tính mạng con người rất đau xót trong những đợt đối mặt với thiên tai, bão lũ trước đây là cơ sở quan trọng để người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo quyết liệt và rất cụ thể: “Kinh nghiệm nhiều năm là đưa người dân vào bờ là an toàn. Nếu vì con tôm hùm, lồng cá mà chủ giữ dân ở lại, trách nhiệm đó thuộc về hình sự, phải xử lý nghiêm. Đặc biệt lưu ý các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên nuôi lồng bè rất lớn”.

Phú Yên cấp tập đối phó bão số 9 được dự báo rất nguy hiểm

Một mệnh lệnh quản lý khác đã được chính quyền địa phương ban hành cấm người dân trong vùng tâm bão ra đường trong khung thời gian từ 20 giờ đêm hôm qua đến khi có thông báo an toàn. Mệnh lệnh ấy cần được chấp hành nghiêm túc như đối với một lệnh giới nghiêm để đảm bảo hạn chế tối đa những trường hợp người dân chủ quan dẫn đến mất mạng vì bão lũ. Cũng không loại trừ khả năng phải áp đặt cưỡng chế đối với những trường hợp không tuân thủ mệnh lệnh này. Tất cả chỉ vì mục tiêu quan trọng nhất trong an toàn chống bão: là đảm bảo an toàn tính mạng con người.
Trong nội đô các thành phố, những việc dù có mất công đến mức nào như tháo gỡ các panô, biển quảng cáo trên cao phải được thực hiện bằng được để đảm bảo an toàn. Đối với những công trình kỹ thuật phức tạp hơn không thể dễ dàng tháo gỡ như cột ăng ten thì phải có phương án di tản người dân ở các ngôi nhà xung quanh đó phòng trường hợp có sự cố gãy đổ cột xảy ra gây thiệt hại tính mạng.

Cận cảnh người dân Quảng Nam đào hầm trú bão số 9

Một điều quan trọng nữa trong năng lực phản ứng chống thiên tai lần này đã được Thủ tướng yêu cầu: "Phải có biện pháp mạnh như xe tăng, trực thăng để cứu dân bị mắc kẹt ở khu vực nguy hiểm". Nghĩa là, các phương tiện hiện đại của quân đội phải được huy động sẵn sàng cho các kịch bản phản ứng nhằm thực hiện giải cứu người dân kịp thời trong những trường hợp cấp bách. Đừng để việc huy động các phương tiện hiện đại này là một phương án bổ sung không được tính trước khi có những tình huống khẩn cấp cần đến.
Chuẩn bị tốt nhất có thể và tuân thủ các mệnh lệnh điều hành của chính quyền trong những lúc này là điều quan trọng hơn gấp bội lần so với việc miệng đọc lời cầu nguyện với trời với đất nhưng lại hành động ngược lại với những chỉ dẫn chống bão của chính quyền.

Cuồng phong bão số 9 đã vào vùng biển Đà Nẵng – Phú Yên, gió giật cấp 16

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.