Bài toán thu chi

Anh Vũ
Anh Vũ
29/10/2018 04:29 GMT+7

Thu ngân sách năm 2018 vượt 3% dự toán, chi thường xuyên “nuôi” bộ máy giảm nhẹ, song mổ xẻ kỹ vào cơ cấu thu - chi đã xuất hiện các yếu tố thiếu bền vững.

Thứ nhất, nguồn tăng thu chủ yếu đến từ bán nhà đất, dầu thô, xổ số kiến thiết. Trong khi một quốc gia với hơn 90 triệu dân, hơn 700.000 doanh nghiệp, hút 334 tỉ USD vốn FDI (chiếm 70% giá trị xuất khẩu)… lĩnh vực trọng yếu, căn cơ nhất lại không đóng góp được tỷ trọng đáng kể cho ngân sách.
Thứ hai, từ 2016 - 2018, số thu vượt dự toán từ đất khá lớn, nhưng đang có dấu hiệu bị cạn kiệt. Đơn cử, tại Đà Nẵng, sau những sai phạm trong quản lý đất đai, nguồn thu này đã bị âm. Năm 2018, ước 22/57 địa phương thu không đạt dự toán, trong đó 2 đầu tàu kinh tế TP.HCM và Hà Nội hụt thu 2 năm liên tục, nhiều nơi đua nhau bán đất, đổi đất để bù đắp nguồn thu. Thu vượt dự toán nhờ cả dầu thô. Nguồn “vàng đen” này không thể múc lên bán mãi, sản lượng khai thác giảm qua từng năm, giá dầu hay biến động.
Thu tăng chậm, thiếu bền vững, trong khi ngân sách vẫn bội chi. Chi thường xuyên năm 2018 giảm nhẹ so với năm ngoái nhưng vẫn chiếm hơn 63% tổng chi. Con số theo nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại tiền thuế của dân không thể gánh nổi mãi, khi phải nuôi bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, số lượng người hưởng lương, phụ cấp còn quá lớn.
Trong các năm qua, không thể phủ nhận kỷ luật trong quản lý, điều hành ngân sách được siết chặt, Chính phủ nỗ lực tiết kiệm, chống lãng phí. Dẫu vậy, điều đáng lo là chi đầu tư phát triển tăng thấp, giải ngân 3 năm, chưa năm nào đạt mục tiêu. Áp lực thu ngân sách lớn dần qua từng năm, trong khi vẫn phải đi vay về để ăn, đầu tư thì nợ thuế nội địa vẫn cao chót vót gần 83.000 tỉ đồng. Nợ công, tỷ lệ theo báo cáo thì giảm, còn số tuyệt đối lại tăng (năm 2017 ước thực hiện 3,1 triệu tỉ đồng, năm 2018 khoảng 3,4 triệu tỉ đồng).
Từ nay đến năm 2021, mỗi năm chúng ta mất 400.000 tỉ đồng để trả nợ lãi và gốc. Sẽ rất đáng ngại nếu GDP suy giảm, chi tiêu tiếp tục không biết liệu cơm gắp mắm, đầu tư lãng phí, thất thoát… Đó là chưa kể giá cả hàng hóa, dịch vụ ngày càng đắt đỏ; hàng trăm loại thuế, phí vẫn đang bủa vây. Cứ trông chờ vào xổ số, dầu mỏ, đất đai mà không có giải pháp nuôi dưỡng, tăng nguồn thu bền vững từ khu vực doanh nghiệp, FDI… thì sức dân, doanh nghiệp ngày càng kiệt quệ, nguy cơ mất cân đối ngân sách sẽ không còn là cảnh báo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.