Bất hợp lý

18/11/2017 06:00 GMT+7

Có thấy được khát khao của các học sinh muốn thi tuyển vào trường ĐH nhưng lại không thuộc vùng tuyển sinh của trường đó thì mới hiểu được cái quy định hộ khẩu trong tuyển sinh bất cập đến mức nào.

Có nghe đoạn trường mà phụ huynh phải chạy hộ khẩu để con được tuyển sinh vào trường bắt buộc phải có hộ khẩu thường trú mới thấy cay đắng cho kẽ hở và rào cản của những quy định vô lý.
Quy định giới hạn phạm vi vùng tuyển trong tuyển sinh như cái vòng kim cô trói buộc không những với người học mà cả các trường, nó hạn chế cơ hội phát triển của từng cá nhân cũng như kềm hãm chất lượng đào tạo của trường học. Vậy mà điều này tồn tại rất nhiều năm qua.
Nhớ trong những buổi tư vấn tuyển sinh ở khu vực miền Trung, Tây nguyên đầu năm 2017, hàng loạt phụ huynh, học sinh muốn chúng tôi “nói cho chắc” có phải Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch sẽ tuyển sinh trong cả nước chứ không giới hạn TP.HCM như những năm trước. Bao nhiêu học sinh giỏi từ các vùng miền khác chỉ chờ điều này để tăng thêm cơ hội vào ngành y.
Xóa bỏ tư duy địa bàn trong tuyển sinh là mở thêm cơ hội cho thí sinh lựa chọn trường học, ngành nghề đúng sở trường. Điều này có lợi cho cả 2 phía nhà trường và người học. Còn ngược lại, trường không tuyển sinh được người giỏi mà sinh viên nếu không học đúng ngành yêu thích có khi bỏ cuộc giữa chừng, thiệt hại không chỉ về thời gian và tiền bạc.
Giới hạn vùng tuyển ngay cả đối với các trường ĐH, CĐ địa phương tưởng là chính sách nhân văn nhưng ngày càng lộ rõ những bất cập. Với lý do để tạo nguồn nhân lực cho địa phương, nhiều trường chỉ tuyển sinh người có hộ khẩu trong khu vực. Tạo nguồn đâu chưa biết chỉ thấy chất lượng đầu vào của những trường này ngày càng giảm sút, đến mức có trường CĐ sư phạm năm nay lấy đầu vào 3 điểm/môn. Vì chỉ tuyển sinh trong khu vực nên không có nguồn tuyển dẫn đến đầu vào thấp, nguồn lao động tương lai kém chất lượng. Điều này càng mâu thuẫn khi các địa phương lại thực hiện chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài từ nơi khác về! Giới hạn vùng tuyển sinh cũng nảy sinh quan hệ “con ông cháu cha” trong quá làm việc ở một địa phương.
Xu hướng hiện nay là hội nhập quốc tế sâu rộng. Biên giới địa lý đôi khi cũng bị xóa nhòa trong sự phát triển của công nghệ cũng như xu hướng toàn cầu hóa thì lại càng không có lý do gì phải duy trì cái tư duy “ao làng”, hạn chế vùng miền.
Vì vậy, chuyện bỏ sổ hộ khẩu, thay bằng cách quản lý hành chính văn minh hiện đại muốn đạt hiệu quả thì phải đi liền với nỗ lực xóa bỏ sự phân biệt đối xử giữa địa chỉ cư trú nơi này hay nơi khác trong giáo dục.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.