Bất thường

03/10/2011 01:40 GMT+7

Hàng loạt doanh nghiệp phá sản nhưng thu ngân sách vẫn cao. Việc tận thu của ngân sách trong những năm qua đã và đang dẫn đến hàng loạt các hệ lụy cho nền kinh tế.

Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 9 tháng qua đã có 48.700 doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động. Kinh tế khó khăn, doanh nghiệp phá sản là chuyện bình thường. Điều bất thường là dù một số lượng không nhỏ doanh nghiệp chết, thu ngân sách 9 tháng vẫn ở mức cao, ước đạt 467.100 tỉ đồng, bằng 78,5% dự toán năm. Câu hỏi đặt ra là, nguồn thu cao nhờ đâu? Có 2 khả năng, hoặc số doanh nghiệp này không đóng một đồng thuế nào cho Nhà nước, hoặc khoản mất đi từ số này sẽ được tận thu ở nhóm còn lại. Nghĩa là, gánh nặng thuế đang được đặt lên vai các doanh nghiệp còn sống. Trong bối cảnh phải đối mặt với hàng loạt các khó khăn như giá cả đầu vào tăng cao, lãi suất cao..., việc bị tận thu có thể đẩy các doanh nghiệp đến chỗ chết, hoặc phải trốn thuế. Nhưng đây mới chỉ là bề nổi. Việc "vắt sữa quá mức" chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc chi dàn trải, thiếu hiệu quả ở nhiều lĩnh vực, dẫn đến lạm phát, thâm hụt ngân sách...

Nhìn về lịch sử, có thể thấy, thu ngân sách của ta đã tăng liên tục trong nhiều năm. Nếu như những năm 1990, nguồn thu của ta chỉ chiếm 15 - 17% GDP, đến năm 2000 khoảng 20 - 22% GDP thì đến nay con số này đã lên tới 28 - 30% GDP. Trong khi tỷ lệ tương ứng của các nước đang phát triển là 15% - 17%, Trung Quốc khoảng 20%. Nghĩa là so với chính mình và so với các quốc gia trong khu vực, mức tăng của ta đều cao. Nguồn thu tăng đáp ứng được một phần chi tiêu nhưng lại không nuôi dưỡng được nguồn thu. Hay nói cách khác, việc biến tiết kiệm của doanh nghiệp thành nguồn thu của ngân sách nhà nước đã khiến doanh nghiệp bị kiệt quệ, không có sức đề kháng và luôn tìm cách để lách thuế. Thu tăng, đương nhiên chi phải tăng theo. Đây chính là nguyên nhân của việc đầu tư tràn lan, thiếu hiệu quả mà Chính phủ đã thừa nhận và đang nỗ lực cắt giảm đầu tư công để kiểm soát lạm phát.

Chúng ta đều biết, điểm yếu nhất của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là vốn. Ngay cả những doanh nghiệp lớn, vốn vẫn là yếu tố khiến họ bị thua thiệt tại sân nhà cũng như trên thị trường quốc tế. Thiếu vốn cũng là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp dễ lao đao và luôn đòi hỏi được hỗ trợ, giúp đỡ khi kinh tế trong nước và quốc tế biến động. Vì vậy, chính sách phải theo hướng để doanh nghiệp tiết kiệm, tăng phần tái đầu tư. Thay vì tận thu, nên giảm thuế cho các doanh nghiệp tư nhân để họ dùng lợi nhuận tăng vốn chủ sở hữu. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, việc giảm thu sẽ tạo cơ hội để doanh nghiệp có thể tái cấu trúc, chuẩn bị cho một bước ngoặt cạnh tranh mới khi kinh tế thế giới bước qua khủng hoảng.

Nghe có vẻ vô lý nhưng đã đến lúc phải giảm thu ngân sách. Bởi chỉ có giảm thu mới có thể giảm chi và mới đưa thâm hụt ngân sách về ngưỡng hợp lý cũng như không đặt gánh nặng thuế lên vai doanh nghiệp.

Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.