Bó tay với 'đề xuất'

08/05/2019 05:03 GMT+7

Đã 1 tuần trôi qua nhưng dư luận vẫn chưa hết ồn ào xung quanh kiến nghị "tử hình phạm nhân bằng lá ngón để tiết kiệm ngân sách” của một cử tri ở Hà Nội.

Theo cử tri này, dùng lá ngón, hình phạt tự tử tù phải ăn, chỉ cần 11 lá ngón là thi hành án xong.
Đáng nói là những đề xuất “độc, lạ, chẳng giống ai” ngày càng nhiều. Ví như đề xuất “cấm các quán bán rượu bia không được có chỗ để xe cho khách” với lập luận nếu quán không có chỗ để xe, khách chỉ đi bằng phương tiện công cộng hoặc có người chở đến để giảm tai nạn giao thông của một luật sư.
Đặc biệt, những đề xuất ngược đời, vô lý từ các lãnh đạo, cơ quan nhà nước cũng không hề ít. Đầu tháng 3 vừa rồi, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã khiến báo giới tốn không ít giấy mực khi đề xuất “mất bằng lái phải thi lại toàn bộ để tránh tình trạng lợi dụng nhằm có thêm bằng lái thứ 2, 3”. Đề xuất của Bộ trưởng Thể vấp phải phản ứng dữ dội từ người dân và các chuyên gia khi cơ quan quản lý công khai đẩy khó cho người dân.
Trước đó, đề xuất đổi từ thu phí thành thu giá cũng của bộ này đã phải rút lại vì sự vô lý đến tức cười của nó. Rồi mới hôm qua, dư luận lại không khỏi “giật mình” khi Bộ GTVT đề xuất đổi tên “trạm thu phí” thành “trạm thu tiền”!?
Cuối năm 2018, dư luận cũng tá hỏa trước đề xuất “mặc đồng phục” cho khoảng 500 trụ sở xã - phường của Sở Xây dựng Hà Nội. Năm 2013, Bộ Y tế gây phẫn nộ khi đưa ra tiêu chuẩn “ngực lép không được lái xe”. Theo đó, vòng ngực trung bình dưới 72 cm không được cấp bằng lái xe cho xe máy trên 50 cc. Rồi quy định xe chính chủ của Bộ GTVT; chó mèo “chính chủ” của Bộ NN-PTNT để khống chế và loại bệnh dại; công chức thủ đô đám cưới không được quá 50 mâm...
Ngay lúc này, nhiều người lại choáng váng và khó hiểu trước đề xuất đánh thuế tiêu thụ điện thoại, nước hoa, mỹ phẩm của TP.HCM. TP.HCM lý giải đề xuất đánh thuế nước hoa và mỹ phẩm vì đây là sản phẩm cao cấp để điều tiết vào thuế thu nhập của những người có thu nhập khá. Còn điện thoại di động tuy là hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu thông tin nhưng đánh thuế cũng để điều tiết một bộ phận dân cư thu nhập có thu nhập khá.
Thứ nhất, không phải ai dùng nước hoa, mỹ phẩm, điện thoại đều có thu nhập khá. Đây đều là những sản phẩm thông dụng trong đời sống người dân từ nhiều năm nay. Thứ hai, chúng ta có biểu thuế thu nhập cá nhân lũy tiến. Thu nhập càng cao, nộp thuế càng nhiều. Còn chuyện “không nắm được kẻ trọc đầu” là chuyện của “nhà thuế”, không thể đánh đồng để đánh thuế tất cả người dùng mỹ phẩm, nước hoa, điện thoại di động hay dịch vụ thẩm mỹ.
Nên nhớ, đánh thuế tiêu thụ đặc biệt là nhằm mục đích điều hướng sản xuất, tiêu dùng vào các loại hàng hóa đó. Nói dễ hiểu hơn là hàng hóa, dịch vụ nào cần hạn chế tiêu dùng thì đánh thuế; đắt đỏ tự khắc người dân bớt sử dụng. Vì lẽ gì TP.HCM lại muốn hạn chế người dân sử dụng điện thoại, nước hoa, mỹ phẩm...? Hay chỉ là giải pháp để tận thu? 
Vẫn biết chỉ là đề xuất, còn lấy ý kiến đóng góp, phản biện... nhưng đề xuất cũng phải dựa trên thực tế, có khảo sát chứ không thể “thích gì đề xuất đó”, nhất là với các cơ quan nhà nước. Có lẽ nên đề xuất đánh giá năng lực cho mỗi đề xuất vô lý, thậm chí ngược đời để hạn chế tình trạng này?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.