Bồi thường oan sai

06/05/2017 06:37 GMT+7

Việc người tù oan 17 năm Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận nhận được số tiền 10 tỉ đồng bồi thường oan sai thêm một lần nữa đặt ra nhiều câu hỏi cho các nhà làm luật về việc thực thi pháp luật.

Bởi lẽ, thời gian qua, nhà nước dùng tiền ngân sách (tức tiền thuế của dân đóng góp) để bồi thường cho người bị oan sai, trong khi người gây ra thiệt hại là người thi hành công vụ thuộc quản lý của các cơ quan nhà nước.
Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước hiện hành đã quy định rất rõ về việc người thi hành công vụ gây thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách một khoản tiền mà nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có rất nhiều điều đáng phải suy ngẫm.
Báo cáo tổng kết luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước của Bộ Tư pháp hồi đầu năm 2016 cho biết, trong 6 năm (2010 - 2015), các cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã thụ lý giải quyết bồi thường với khoản tiền lên tới hơn 111 tỉ đồng, song khoản tiền trách nhiệm hoàn trả của cán bộ thực thi sai công vụ chỉ vỏn vẹn gần... 677 triệu đồng, chưa được 1%.
Xảy ra tình trạng trên, theo Bộ Tư pháp, là do việc xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ chưa thực sự được các cơ quan, đơn vị nghiêm túc thực hiện. Mặc dù luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước quy định người thi hành công vụ chỉ phải hoàn trả nếu có lỗi (cố ý hoặc vô ý) nhưng một số cơ quan có trách nhiệm bồi thường khi xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ lại không xem xét yếu tố lỗi của những người này.
Theo dự kiến, tháng 5 tới đây, Quốc hội sẽ xem xét thông qua về luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước (sửa đổi). Những kết quả thực thi của đạo luật này trong thời gian qua cùng với kết quả giải quyết vụ việc ông Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang)... rõ ràng là những đòi hỏi nghiêm túc đối với các nhà làm luật.
Nếu những kẽ hở về trách nhiệm hoàn trả không được bịt kín, trách nhiệm của những người thi hành công vụ không được cột chặt thì chắc chắn, tình trạng “chảy máu ngân sách” vì sự tắc trách của người thi hành công vụ sẽ còn tiếp tục diễn ra. Điều này chắc rằng sẽ gia tăng sự bất bình của xã hội, vì việc người thi hành công vụ sai cứ sai, việc bồi thường đã có ngân sách nhà nước lo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.