Bức rèm che “quy trình”

27/04/2017 06:42 GMT+7

Một chủ tịch huyện của Thanh Hóa vừa bị kỷ luật vì những sai phạm trong việc tuyển dụng nhân sự, trước đó ở cấp cao hơn, một số cán bộ đầu ngành, đầu tỉnh cũng bị kỷ luật vì lý do tương tự.

Để thấy công tác bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ thời gian qua bộc lộ quá nhiều lình xình, chuyện “đôn ghế, đôn chức” loạn xạ, bổ nhiệm “thần tốc”, 44 lãnh đạo quản 2 nhân viên, chuyện ban phát cuối nhiệm kỳ cho người nhà, huynh đệ thân tín… không hiếm.
Công tác cán bộ vốn là vấn đề khó, lại nhạy cảm, đơn giản vì nó động chạm đến con người, đến lợi ích. Nhưng khi nó trở thành “vấn nạn” ngay từ các cơ quan quản lý vĩ mô thì chính là mối nguy của quốc gia.
Đề bạt cán bộ cứ nói “đúng quy trình”, tuyển dụng cũng nói “đúng quy trình” hết. Nhưng đã có nhiều bằng chứng cho thấy, cái “đúng quy trình” ấy, giống như “bức rèm che” của việc xếp ghế cho người nhà và thân hữu. Nhưng tại sao cái sự phi lý, vô lý ấy vẫn cứ tồn tại trong những đề bạt bổ nhiệm, tuyển dụng nhìn bề ngoài tưởng như rất nghiêm minh?
Cái “quy trình” ấy là gì mà khiến dù người giỏi cũng không sao chen chân nổi với con cháu, người nhà những cán bộ có quyền ở các huyện, quận, tỉnh, thành. Đến cả các vùng miền núi xa xôi, con nhà “dân thường” dù có học giỏi, tốt nghiệp hạng ưu cũng không thể có việc. Trong khi đó “con quan”, dù học hành lấy lệ cũng chắc suất cả đời”?
Thông điệp “chọn người tài hay người nhà” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chính là chấn chỉnh vấn nạn này.
Sau hàng loạt vụ việc “chọn người nhà” được phát giác, cho thấy những người có chức, có quyền, khi đã chủ ý đưa người thân quen vào các vị trí chủ chốt thường bám rất sát “quy trình”. Và hậu quả của những quyết định mang nặng tính lợi ích nhóm (được che chắn bằng bức rèm “quy trình”) ấy, không chỉ làm đội ngũ cán bộ suy yếu về năng lực, phẩm chất mà còn khiến người dân mất niềm tin, những người thực tài cũng ngần ngại khi tham gia cống hiến.
Không lẽ khoanh tay trước những bổ nhiệm và tuyển dụng sai mà vẫn được lý giải là “đúng quy trình”? Đúng quy trình, nhưng chưa chọn được nhân tài, thì có lẽ cần phải xem lại quy trình. Bởi lẽ, chọn người tài không đơn thuần chỉ là “đúng quy trình” và bằng cấp, mà còn phải “đo đếm” bằng năng lực thật, sự sáng tạo và liêm chính.
Việc đầu tiên quan trọng bây giờ có lẽ là phải rà soát để sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về công tác cán bộ và phòng, chống tham nhũng đồng thời quy trách nhiệm người đứng đầu trong việc tuyển dụng và bổ nhiệm cán bộ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.