'Cải tiến' cúng lễ

30/01/2019 04:10 GMT+7

Người xưa không chỉ coi ông Công, ông Táo là người “báo cáo thiện ác”. Trong cuốn Đất lề quê thói , Nhất Thanh viết mỗi khi mua súc vật về nuôi thường cúng ông Công để ông phù hộ.

Trong nhà có lủng củng đau yếu, nhất là đau mắt, là nghĩ đến ông Công và phải xem nom bếp núc giữ gìn có sạch sẽ không.
Nhất Thanh hóm hỉnh: “Như vậy tín ngưỡng thật cũng có ích cho vệ sinh”. Mặc dù vậy, bất chấp “vệ sinh tín ngưỡng”, hàng loạt bàn thờ, rác ni lông đã được xả xuống sông hồ trong những ngày cúng ông Công, ông Táo vừa qua.
Cũng trước mùa tết năm nay, hàng loạt quần áo bikini hàng mã cũng được sản xuất. Chưa kể, hình nhân người giúp việc cũng đã xuất hiện từ trước đó. Điều này gợi nhớ đến việc đốt vàng mã trước đây.
GS Đỗ Quang Hưng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo, cho biết việc đốt vàng mã hiện đã tới mức bất hợp lý. Nó bất hợp lý từ việc tốn kém, đến ảnh hưởng môi trường. Hiện tại, cũng chưa có các chuẩn môi trường với đồ mã vốn nhuộm nhiều hóa chất.
Việc cúng lễ, không phải chưa từng có những thay đổi thực hành. Nhiều năm trước, có những chùa mà người đi lễ nước mắt ròng ròng khi bước vào vì quá nhiều khói hương. Việc đốt hương như vậy cũng ảnh hưởng tới các di tích vốn có nhiều cấu kiện bằng gỗ. Chính vì thế, những cuộc vận động, quy định tại các cơ sở thờ tự đã được đưa ra để người dân chuyển sang chỉ thắp hương tượng trưng ở ngoài sân. Có nghĩa là, ngay cả việc thắp hương (ít tốn kém và cần thiết hơn trong cúng lễ) cũng có thể giảm và thay đổi. Chính vì thế, việc thay đổi dần thực hành đốt vàng mã, hay cúng ông Công, ông Táo là việc nên cân nhắc.
Không thể nói tới câu chuyện vệ sinh tín ngưỡng khi sau lễ ông Táo, cá chép chết ngay khi mới được thả xuống sông, một số khác lại bị chích điện để vớt lên đem bán lại. Không thể nói tới việc thiện khi túi ni lông và vàng mã ngập các dòng sông sau mỗi nghi lễ tín ngưỡng lớn vào cả dịp tết và rằm tháng bảy.
Rác thải ni lông không thể phân hủy này khiến đời sống của những làng ven sông khó khăn hơn. Càng không thể nói rằng “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” khi các vụ tai nạn sông nước, hỏa hoạn liên tiếp xảy ra mà nguyên nhân là thực hành cúng lễ. Rõ ràng, không thể vin vào truyền thống để nhắm mắt mà lễ bái với bất cứ giá nào.
Phong tục tín ngưỡng, suy cho cùng là mong muốn điều lành, ao ước khuyến thiện. Chính vì thế, khi những phong tục cũ, do thay đổi của xã hội, đã trở nên mất an toàn thì nó cần phải được thay đổi. Để thay đổi một nếp nghĩ đã định hình nhiều năm là không dễ. Tuy nhiên, nếu lấy cái gốc thiện và mong muốn điều lành, cộng đồng hoàn toàn có thể từ từ mà làm được. Nhu cầu “cải tiến” cúng lễ cho phù hợp xu hướng sống xanh đã rất nóng rồi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.