Cán cân thương mại Việt - Trung quá chênh lệch

05/07/2009 00:40 GMT+7

Cổng thông tin điện tử của Bộ Công thương ngày 29.6 công bố số liệu về tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt – Trung 6 tháng đầu năm 2009 lấy từ nguồn của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Theo đó, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước trong những tháng đầu năm 2009 đạt mức 6,88 tỉ USD, giảm 23,5% so cùng kỳ 2008.

Mặc dù nhập khẩu giảm đến 28,5% so cùng kỳ, 5 tháng đầu năm Việt Nam vẫn phải nhập từ Trung Quốc giá trị hàng hóa lên tới 5,16 tỉ USD, trong khi chỉ xuất 1,72 tỉ USD, giảm 3%. Như vậy, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc gần 4 tỉ USD, chiếm gần hết “rổ nhập siêu” của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm.

Những mặt hàng Trung Quốc xuất sang Việt Nam có tổng giá trị lớn là hàng cơ điện, máy móc các loại; nguyên phụ liệu, hàng dệt may; sắt thép, kim loại; hóa chất và các chế phẩm cùng loại; khoáng sản các loại… Việt Nam xuất sang Trung Quốc vẫn ít ỏi với chủ yếu các sản phẩm từ thực vật, động vật, khoáng sản…

TS Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Full Bright - nhận định: Nguyên nhân nhập siêu lớn từ Trung Quốc là do hàng hóa của nước này có giá rẻ, nhất là hàng điện tử, may mặc; quy mô mậu dịch biên giới lớn. Hàng hóa của Trung Quốc được nhập vào Việt Nam hầu hết không thông qua các doanh nghiệp lớn, chủ yếu là các công ty mang tính địa phương, nên khó đảm bảo chất lượng vì “thoát” quy trình giám sát. TS Tự Anh phân tích, trong bối cảnh nguồn ngoại hối từ đầu tư nước ngoài, du lịch… đều giảm, để bù đắp cho nhập siêu, Chính phủ có thể phải lấy từ nguồn dự trữ quốc gia. Điều này là rất nguy hiểm.

Trong bối cảnh nhập siêu như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa qua Trung Quốc lại đang đối diện với nhiều khó khăn mới. Trong đó, vấn đề được quan tâm là kể từ ngày 1.6.2009, Luật An toàn thực phẩm của Trung Quốc đã chính thức có hiệu lực, thay thế Luật Vệ sinh thực phẩm hiện hành.

Theo nhận định của Bộ Công thương: “Các cơ quan hữu quan Trung Quốc đang quyết liệt kiểm tra thực phẩm, hàng hóa nhập khẩu nên khá nhiều lô hàng như thủy hải sản, hoa quả... của Việt Nam đã có hiện tượng bị ách tắc tại cửa khẩu Đông Hưng và Móng Cái (Quảng Ninh)”. Với thực tế đó, không có gì để đảm bảo năm nay, nhập siêu từ Trung Quốc sẽ được thu giảm.

Đơn cử như mặt hàng may mặc. Ông Nguyễn Sơn, Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho biết hơn 30% vải nguyên liệu cung cấp cho các nhà sản xuất trong nước được nhập khẩu từ Trung Quốc. Đó là hàng chính ngạch, được đếm cụ thể bằng số liệu. Còn hàng trôi nổi kém chất lượng hoặc nhập lậu thì không thể đếm hết, có thể là con số khổng lồ nào đấy. Hơn 30% quy ra tiền trong năm 2008 là 1,5 tỉ USD, trong tổng số 4,5 tỉ USD mà ngành dệt may phải nhập nguyên liệu vải của cả năm. Trong khi đó, Trung Quốc nhập của ta chỉ 53,5 triệu USD (hàng may mặc) năm 2008; riêng 6 tháng đầu năm là 16 triệu USD, giảm 8,6%. Vitas cũng cho biết giá trị hàng may mặc của Trung Quốc nhập vào Việt Nam là “không bao nhiêu”. Nhưng như chúng ta thấy, quần áo Trung Quốc hiện diện ở tận hang cùng ngõ hẻm.

Nhập siêu được xem là bình thường ở một nước đang phát triển nhanh như Việt Nam. Nhưng không bình thường ở chỗ khoảng cách nhập siêu với Trung Quốc ngày càng được nới rộng, vượt qua những nỗ lực thu hẹp của cơ quan chức năng, và chiểm tỷ lệ quá cao trong “rổ nhập siêu”. Trong khi phía Trung Quốc đang áp dụng hiệu quả hàng rào kỹ thuật nhập khẩu thì chúng ta hầu như vẫn chưa có biện pháp nào hiệu quả.  

N.Trần Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.