Cạnh tranh bằng phá hoại

01/07/2015 05:36 GMT+7

Đổ hóa chất để phá hoại QL1, ném đá xe khách gây thiệt hại tính mạng và tài sản. Hai vụ việc này không chỉ gây sốc trong dư luận mà còn khiến nhiều người cảm thấy hổ thẹn cho tư duy cạnh tranh ấu trĩ của một số cá nhân, doanh nghiệp đang sống trong thời buổi đất nước đã hội nhập sâu rộng với thế giới.

Đổ hóa chất để phá hoại QL1, ném đá xe khách gây thiệt hại tính mạng và tài sản. Hai vụ việc này không chỉ gây sốc trong dư luận mà còn khiến nhiều người cảm thấy hổ thẹn cho tư duy cạnh tranh ấu trĩ của một số cá nhân, doanh nghiệp đang sống trong thời buổi đất nước đã hội nhập sâu rộng với thế giới.

Vụ tưới hóa chất lên QL1 đang được cơ quan điều tra khẩn trương làm rõ nhưng rất nhiều dấu hiệu cho thấy, đây là một hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh của những doanh nghiệp trong ngành. Đầu tiên là loại hóa chất được sử dụng để đổ lên mặt đường. Mẫu hóa chất này đang được gửi đi phân tích nhưng bước đầu xác định đây có thể là axít sunfuric (40%) hòa với xăng hoặc tricloethylen - loại hóa chất chuyên dùng để thí nghiệm tách chiết bê tông nhựa nên tốc độ phá hủy các lớp bê tông diễn ra rất nhanh.
Thứ hai, trong bối cảnh hầu hết các gói thầu thi công QL1 ở khu vực Bắc Trung bộ (Báo Thanh Niên đã từng phản ánh) đều rơi vào tình trạng vừa mới đưa vào sử dụng đã có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp và được nhiều đơn vị đổ lỗi do thời tiết, xe quá tải... thì cũng ở địa bàn Quảng Bình các công trình của Tập đoàn Sơn Hải, đơn vị thi công đoạn đường bị tưới hóa chất nói trên vẫn “ngon lành”. Không những thế, tập đoàn này còn đứng ra cam kết bảo hành 5 năm nên vô tình đã “lật tẩy” chuyện làm ăn gian dối, cẩu thả rồi đổ lỗi trời ơi của không ít đơn vị thi công khác. Tất nhiên mọi việc vẫn phải đợi kết luận của cơ quan chức năng nhưng với những dấu hiệu nói trên, có thể thấy đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh bằng việc phá hoại để “dằn mặt”.
“Thảm họa” ném đá xe khách cũng tương tự, dù một số vụ tìm ra thủ phạm được xác định là trẻ vị thành niên hư hỏng nhưng cũng có rất nhiều dấu hiệu cho thấy, đây có thể là thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh giữa các hãng xe với nhau.
Phá đường và ném đá xe khách hậu quả lớn nhất là gây nguy hiểm đến tính mạng con người, chưa nói đến những thiệt hại về vật chất. Nhưng điều quan trọng hơn như nói trên, đó là cảm giác hổ thẹn bởi hành vi cạnh tranh ấu trĩ giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau. Trong thế giới phẳng, nơi các doanh nghiệp đang cạnh tranh bằng cuộc chạy đua nâng cao chất lượng, dịch vụ, công nghệ, uy tín... thì chúng ta lại cạnh tranh bằng chơi bẩn, chơi xấu để triệt hạ nhau. Với tư duy và cách làm này, làm sao chúng ta có thể trụ nổi trong một thị trường minh bạch và sòng phẳng của hội nhập mà VN đã và vẫn đang nỗ lực thực hiện.
Những câu chuyện về doanh nghiệp Việt chơi xấu nhau; thà mất hợp đồng lớn chứ không chịu liên kết với nhau; sẵn sàng phá giá để cướp khách hàng của nhau... diễn ra hàng thập niên qua khiến hình ảnh, uy tín của các doanh nghiệp nội trong mắt các đối tác nước ngoài và ngay chính người dân trong nước đã bị ảnh hưởng rất nhiều. Vì vậy, phải điều tra rõ và loại ra khỏi thị trường những doanh nghiệp làm ăn kiểu này.
Không thể để một vài “con sâu làm rầu nồi canh”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.