Cắt thủ tục, phí sẽ giảm

15/12/2016 06:45 GMT+7

Hàng loạt những cải cách từ Chính phủ và các bộ ngành đã được công bố đang mở ra một môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch cho các doanh nghiệp trong thời gian tới.

Đầu tiên là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan chỉ tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về tài chính, thuế đối với doanh nghiệp (DN) 1 năm 1 lần, không trùng lắp, chồng chéo. Có thể nói, đây là chỉ đạo cực kỳ đúng và trúng vào nỗi khổ mang tính “nhạy cảm” của DN. Nói “nhạy cảm” là vì khổ đấy, bức xúc đấy nhưng hầu hết không ai dám nói. Bởi còn làm ăn là còn liên quan tới thuế, tới tài chính... nếu để mất lòng các cơ quan này thì khó mà yên ổn. Đừng nói tới DN lớn mà DN nhỏ, siêu nhỏ, thậm chí hộ gia đình... cũng thường xuyên bị thanh - kiểm tra. Báo cáo PCI 2015 do Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) công bố hồi tháng 4 cho thấy hoạt động thanh - kiểm tra đối với DN có xu hướng gia tăng. Cụ thể, có đến 74% DN từng đón tiếp các đoàn thanh - kiểm tra thuộc tất cả các lĩnh vực. Trung bình, các DN nhỏ và vừa phải tiếp 1 - 2 đoàn thanh - kiểm tra/năm; các DN lớn phải tiếp 3 đoàn. Có 18% DN siêu nhỏ, 24% DN nhỏ, 43% DN quy mô vừa và 50% DN quy mô lớn đón tiếp ít nhất 3 đoàn kiểm tra trong năm gần nhất.
Tình trạng trùng lặp về nội dung thanh - kiểm tra cũng đáng báo động.
25% DN siêu nhỏ, nhỏ và 30% DN vừa cho biết nội dung thanh kiểm tra của các đoàn bị trùng lặp. Với các DN quy mô lớn, con số này lên tới 32%. Đã thanh - kiểm tra thì luật bất thành văn, đúng - sai cũng phải có “lót tay”. Nhưng không chỉ tốn chi phí “gầm bàn”, quan trọng hơn là DN còn tốn thời gian tiếp đón; rồi những phiền phức, thậm chí nhiều trường hợp gây ảnh hưởng tới hình ảnh, hoạt động kinh doanh.
Tương tự, Bộ Công thương vừa công bố bãi bỏ và đơn giản hóa 123 thủ tục hành chính trong ngành này. Có thể nói, đây là đợt cắt giảm lớn nhất của ngành công thương. Chúng ta đều biết Bộ Công thương là cơ quan quản lý rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề và trước đây cũng là bộ bị “kêu” rất nhiều, đặc biệt là thủ tục chuyên ngành. Thế nhưng chỉ một thời gian ngắn, Bộ này đã cho thấy quyết tâm cải cách từ lượng tới chất. Minh chứng rõ nhất là đầu tháng 10 vừa rồi, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã ký Thông tư bãi bỏ quy định kiểm tra formaldehyte và amin thơm đối với hàng dệt may, một quy định tạm nhưng làm khổ DN tới gần một thập niên với không biết bao nhiêu đơn từ, hội họp, kiến nghị hủy bỏ không thành trước đó. Chỉ việc bãi bỏ quy định này cũng tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng chi phí cho DN. Rồi việc sửa đổi danh mục sản phẩm, hàng hóa có nguy cơ gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công thương; sửa đổi quy định về dán nhãn năng lượng...
Dẫn lời của chuyên gia hàng đầu thế giới về quản lý Peter Drucker “cái gì không đánh giá được thì sẽ không cải thiện được”, tại hội nghị bàn tròn “Thủ tướng với Mạng lưới chuyên gia toàn cầu về phát triển VN” tổ chức ngày 13.12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Bộ Nội vụ chủ trì nghiên cứu các mô hình chấm điểm hành chính công một cách thấu đáo bởi theo Thủ tướng “cái gì cũng cần được lượng hóa chứ không thể nói nhiệt tình một cách chung chung”.
Cắt thủ tục là giảm phí, đó là điều chắc chắn. Với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành, gánh nặng phí đè lên cộng đồng DN sẽ được dỡ bỏ để tăng sức cạnh tranh cho họ trong bối cảnh hội nhập sâu - rộng hiện nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.