Chiêu chữa bệnh

31/07/2018 05:15 GMT+7

Sau khi có dư luận ầm ĩ về việc người đứng đầu Công ty đào tiền ảo Sky mining bỏ trốn, ông này vừa xuất hiện trên một clip ngắn trên mạng xã hội, khẳng định mình chỉ đi chữa bệnh một thời gian.

Và rằng, sắp tới đây các xưởng đào sẽ hoạt động tiếp, nhà đầu tư hãy yên tâm ủng hộ...
Chữa bệnh đã và đang là một lý do có vẻ như chính đáng được một số đại gia, kể cả trong doanh nghiệp nhà nước trưng ra trong những thời điểm ngặt nghèo khi đối diện với pháp luật, với khiếu kiện. Từ ung thư cho tới tâm thần, rồi suy nhược toàn thân; từ chữa trong nước đến trị ngoài nước. Có người báo tin không đủ sức ra tòa; có người xin chữa một chập xong rồi biến ra nước ngoài, nghênh ngang mạnh khỏe.
Khác với những bậc “tiền bối” dùng chiêu khổ nhục kế ốm đau lằng nhằng, ông Lê Minh Tâm, Tổng giám đốc Công ty đào tiền ảo Sky mining có lẽ dũng cảm hơn khi tung hê clip mình đang trùm mền, thều thào trấn an nhà đầu tư. Không rõ cái clip này được quay ở bệnh viện nào, trên giường bệnh hay trên salon sang chảnh; đồng phục bệnh nhân sao mà giống áo sơ mi cổ hồng trang nhã. Và, cũng không ai biết ông này mắc bệnh chi, phác đồ điều trị bao lâu, khi nào thì đủ sức để lại chỉ huy đào tiền ảo tiếp. Chỉ thấy khi ông Tâm hứa hẹn, một trong các quản lý xưởng đào của ông “Chỉ biết chờ cơ quan công an vào cuộc”.
Vấn đề ở đây không chỉ là sự rủi ro của việc rộ lên các “hợp tác xã” hay” đường dây hùn hạp” phiêu lưu kiểu góp vốn bạc tỉ với mức lãi vô lý 300% sau một năm. Các loại hình “hái tiền ảo” có dáng dấp huy động đa cấp đang được cảnh báo về độ minh bạch khi mà nhà đầu tư không thể kiểm chứng được thực hư của dòng tiền mà chỉ tin vào hứa hẹn. Cũng đáng cảnh báo việc sơ hở một thiết chế để kiểm soát tình trạng báo bệnh khi có dấu hiệu dây dưa với pháp luật hoặc dính vào các vụ kiện tụng dân sự.
Bệnh là điều không ai muốn; và cũng không ai mong đối tác làm ăn, đối tượng tranh chấp của mình bị bệnh. Người bệnh có nhu cầu biết rõ bệnh thế nào để chữa trị; người có quan hệ công tác, làm ăn càng có nhu cầu biết rõ bệnh của đối tác, đối tượng của mình như thế nào để hành xử. Ở góc độ khác, cơ quan quản lý cũng cần biết rõ cán bộ, nhân viên của mình bệnh ra sao trước khi chịu trách nhiệm việc ký vào đơn xin đi nước ngoài điều trị. Liệu có cần thiết cơ chế và thủ tục, thậm chí quy định về việc giám định sức khỏe độc lập, giải pháp trưng cầu để xác định sự thật sức khỏe thể chất và tâm thần của ai đó có liên quan khi họ “bệnh” vì phải chịu trách nhiệm trước lợi ích của tổ chức, của cá nhân? Đã đến lúc không thể chỉ “cáo bệnh” xong là đủ, là thoát.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.