Chọn lối đi riêng

29/07/2019 04:41 GMT+7

Vào đại học hiện nay không khó nhưng cái khó là sinh viên ra trường có đáp ứng được những yêu cầu của nhà tuyển dụng cũng như có khả năng tham gia vào thị trường lao động với những đổi thay liên tục.

Trên Báo Thanh Niên mới hôm qua đăng thông tin một bạn trẻ 18 tuổi chọn lối đi riêng khi quyết định không tiếp tục học THPT mà đăng ký theo các khóa học liên quan đến nghề nghiệp mà mình quan tâm. Giờ bạn trẻ này có thể kiếm được nhiều tiền từ việc thành lập một trang web tiếp thị. Vừa làm vừa tham gia các khóa học mình yêu thích, bạn có kế hoạch tích lũy để du học.
Trước đó, cũng trên Thanh Niên, một bạn 27 tuổi nhưng được mệnh danh là “ông trùm” làm phim bằng điện thoại cũng đã dám dấn thân vào con đường của riêng mình. Dù ba là bác sĩ, mẹ là giáo viên nhưng cậu vẫn quyết tâm chọn học nghề thiết kế thay vì tiếp tục học lên THPT rồi vào đại học như con đường người lớn đã vạch sẵn. Giờ đây bạn trẻ này không chỉ kiếm được nhiều tiền từ công việc mình đam mê mà còn là quản trị viên tại cộng đồng làm phim nghiệp dư lớn nhất VN, dạy làm phim bằng điện thoại cho nhiều người trẻ khác.
Tôi từng gặp một nhân viên bảo trì máy lạnh. Người này cho biết do hoàn cảnh khó khăn nên không vào đại học ngay từ đầu như bạn bè. Thay vào đó cậu chọn một trường cao đẳng và giờ rất hài lòng với công việc, đồng thời đang lên kế hoạch thực hiện chương trình liên thông đại học. “Em chắc chắn sẽ lấy bằng đại học, chỉ là em mất thời gian một chút do đi đường vòng so với bạn bè mình thôi”, cậu vui vẻ khẳng định…
Những câu chuyện trên không phải nhằm định hướng cho các học sinh đang quyết định chọn nghề nghiệp tương lai nên theo bậc học nào: đại học, cao đẳng hay trung cấp. Bởi chúng ta không thể khuyên người trẻ đừng cố vào đại học trong khi xã hội và cả người lớn, các bậc cha mẹ, vẫn còn tâm lý xem trọng bằng cấp. Chúng ta cũng không dễ gì để nói rằng đâu phải chỉ có con đường đại học để vào đời trong một thời kỳ mà xã hội đang cần nguồn nhân lực chất lượng cao với những đổi thay nhanh chóng của công nghệ mà khái niệm công nghiệp 4.0 lừng lững trước mắt.
Tuy nhiên, những câu chuyện trên giúp các học sinh trước ngưỡng cửa nghề nghiệp tương lai không theo số đông, dũng cảm chọn những con đường phù hợp với năng lực, sở trường của mình để đi đến thành công và hạnh phúc với nghề nghiệp mình đã chọn. Thậm chí, có thể chọn cách dừng học một năm tích lũy thêm những trải nghiệm cần thiết (gap year) để ngày trở lại con đường học tập sẽ chín chắn hơn, như cách giới trẻ các nước đang làm.
Thông thường, khi đã đam mê với nghề nghiệp đã chọn, người ta sẽ tự khắc trau dồi, học hỏi để tiến xa hơn. Thà trở thành một công nhân, chuyên viên lành nghề và tỏa sáng trong nghề nghiệp của mình hơn là một sinh viên vật vờ mấy năm trời ở đại học mà không biết mình thích gì, muốn gì, tương lai ra sao!
Tuần này các trường đại học bắt đầu đồng loạt công bố điểm trúng tuyển, chỉ mong những ai đang chờ kết quả vẫn còn những hoạch định khác cho cuộc đời mình. Còn trẻ, chúng ta còn nhiều thời gian và cơ hội để thực hiện ước mơ thay vì cứ cột chặt với những định kiến hay hướng đi không phải sở trường để lay lắt trôi qua những năm tháng thanh xuân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.