Chưa đủ

18/03/2014 02:00 GMT+7

Giảm lãi suất, mục đích cuối cùng vẫn là để thúc đẩy nguồn tín dụng chảy vào nền sản xuất vừa đói vốn, vừa tồn kho kéo dài hiện nay. Nhưng nếu vẫn chỉ giảm lãi suất huy động không thôi thì chưa đủ.

>> Từ 18.3, gửi tiết kiệm kỳ hạn dưới 6 tháng lãi suất chỉ còn 6%/năm

Bởi trên thực tế, việc giảm lãi suất đầu vào đã được các NH, đặc biệt là các NH quốc doanh áp dụng từ nhiều tháng nay với mức thấp hơn so với "trần" của NHNN.

Chỉ 2 tuần trước khi cơ quan này chính thức công bố, một loạt các tổ chức tín dụng cũng đã điều chỉnh giảm lãi suất ở các kỳ huy động ngắn. Thậm chí có ngân hàng (NH), trong 1 tháng 3 lần giảm lãi suất đầu vào.

Nói vậy để thấy, giảm lãi huy động không phải là vấn đề mới mà NHNN, cũng như những lần trước đó, vẫn chỉ chạy theo tín hiệu thị trường. Nên khó có thể kỳ vọng, vốn sẽ được khơi thông bằng giải pháp này. Lý do thứ nhất, giảm lãi suất đầu vào, không có nghĩa là lãi suất cho vay sẽ giảm. Các NH hiện đang trong thế kẹt. Khách hàng tốt có thể trả lãi đầy đủ và đúng hẹn không nhiều trong khi khách khó khăn, khất lần nợ là chủ yếu. Để an toàn cho mình, nhiều NH đang áp dụng bài toán ngược với quy tắc thị trường, đó là "bắt" khách hàng tốt phải chịu lãi cao để gánh cho phần rủi ro của các khách hàng xấu. Trong bối cảnh hệ thống NH vẫn là chỗ dựa duy nhất về vốn, khách hàng chỉ còn cách chấp nhận. Đây là một trong những nguyên nhân khiến lãi suất cho vay không giảm trên thực tế.

Lý do thứ hai, lãi suất chưa phải là nút thắt lớn nhất gây tắc vốn hiện nay. Nút thắt nằm ở chỗ, doanh nghiệp rất khó tiếp cận vốn. Truyền thống "cố thủ" của các NH là muốn vay phải có tài sản thế chấp. Nhưng doanh nghiệp đủ điều kiện này hầu hết đang thuộc diện "con nợ" của NH. Muốn vay nữa, rất khó. Những doanh nghiệp không có tài sản thế chấp thì NH ngại rủi ro. Nên dù họ có dự án, có kế hoạch khả thi cũng chịu chết. Đáng nói là đối tượng này, đa phần nằm trong diện Chính phủ muốn ưu đãi, ưu tiên như doanh nghiệp vừa và nhỏ, sản xuất nông nghiệp, nông thôn...

Một lý do sâu xa hơn là sức mua trên thị trường quá yếu, sản xuất bán không được, hàng tồn kho nhiều nên nhu cầu vay vốn cũng giảm. Nên tiền tồn trong kho, các NH ôm đống tiền lớn mà lo ngay ngáy. Thế là họ đổ hết vào mua trái phiếu chính phủ để giảm áp lực tắc vốn cho vay. Thống kê cho thấy, 80% trái phiếu chính phủ trúng thầu trong 2 tháng đầu năm là từ tổ chức tín dụng.

Nói vậy để thấy, giảm lãi suất là đúng nhưng chưa đủ cho mục đích thông vốn cho nền kinh tế. Nếu không có giải pháp quyết liệt để giải quyết nợ xấu một cách thực sự thì giảm lãi suất cũng không thể giúp tăng trưởng tín dụng khả quan hơn. Nếu không xác định rõ như vậy mà cứ sử dụng việc giảm lãi suất như một công cụ điều hành chính, rất có thể chúng ta lại đẩy các NH từ thừa vốn sang thiếu vốn khi người gửi tiền có thể chọn các kênh đầu tư khác đang nóng lên thay vì gửi tiết kiệm như hiện nay.   

Nguyên Khanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.