Chuyện khẩu trang

Vũ Phương Thảo
Vũ Phương Thảo
09/02/2020 00:00 GMT+7

Hôm qua, một tuần sau khi Thủ tướng công bố dịch viêm phổi do nCoV , một đô thị như Đà Nẵng đã phải tiếp tục có công văn về việc đảm bảo vệ sinh phòng chống dịch.

Không có gì đáng bàn nếu nội dung chính là phản ánh việc sử dụng và vứt khẩu trang y tế sau khi dùng bừa bãi ở các khu vực công cộng: nhà ga, bến tàu, công viên, vỉa hè... gây phản cảm và có nguy cơ lây nhiễm bệnh. Tình trạng này không chỉ có ở Đà Nẵng, mà phổ biến ở nhiều nơi, thậm chí ngay trước một vài bệnh viện ở TP.HCM cũng vậy.
Theo đó, Sở TN-MT TP.Đà Nẵng yêu cầu việc xử lý khẩu trang sau khi sử dụng cần được quán triệt đến công chức, viên chức, lao động để có hướng dẫn đến các tầng lớp nhân dân thải bỏ khẩu trang sau khi sử dụng đúng cách, bỏ vào thùng hoặc thiết bị lưu chứa rác an toàn, được đậy kín; không vứt rác bừa bãi nơi công cộng gây phản cảm và tránh phát tán vi rút mầm bệnh ra môi trường...
Bắt đầu từ việc người người, nhà nhà chấp nhận với cái giá "cắt cổ" của các nhà thuốc trục lợi rồi đến cảnh hàng dài người xếp hàng nhiều giờ đồng hồ trước các quầy thuốc bán đúng giá để mua khẩu trang y tế.
Sự sợ hãi trước căn bệnh dịch nguy hiểm toàn cầu khiến người dân chấp nhận cả những điều phi lý chỉ để mua sản phẩm y tế mà tác dụng không hẳn là tuyệt đối. Có thể hiểu đối với người dân, họ đang mua sự yên tâm, mua niềm tin bảo vệ sức khỏe.
Trong bức tranh đầy hoang mang ấy, cơn sốt khẩu trang chỉ được giảm nhiệt phần nào khi Bộ Y tế liên tục có những tin nhắn khuyến cáo gửi đến tất cả người dân về việc đeo khẩu trang như thế nào là hợp lý.
Theo đó, khẩu trang y tế chỉ nên được dùng khi có khuyến cáo và trong các trường hợp nhất định. Khẩu trang vải vẫn có “sức đề kháng” với những người khỏe mạnh. Bộ Y tế cũng khẳng định việc đeo khẩu trang y tế tràn lan hiện nay không chỉ gây ra sự lãng phí, mà còn có thể tạo cảm giác yên tâm “ảo”, khiến người dân bỏ qua việc áp dụng các biện pháp bảo vệ quan trọng như rửa tay thường xuyên, vệ sinh cá nhân, đồ dùng an toàn.
Điều phi lý là sau khi phải vất vả, thậm chí nhiều trường hợp còn giành giật nhau để mua được khẩu trang y tế nhằm bảo vệ sức khỏe cho chính mình và người thân thì một số người lại vô tình gieo mầm bệnh (nếu có) cho người khác.
Việc vứt khẩu trang một cách vô ý thức không chỉ đẩy ra xã hội thêm một loại rác mà nguy hiểm hơn, đó là nguy cơ tiềm ẩn những mầm bệnh cho cộng đồng... Những người vứt khẩu trang bừa bãi đó có thể quên rằng, sự xoay vòng luân chuyển của mầm bệnh với nguy cơ có ngày quay lại với chính họ và người thân. Cũng giống như kiểu ngửa mặt nhổ nước bọt lên trời.
Để đối phó với nCoV, không chỉ phụ thuộc vào nền y tế hiện đại, quyết sách đối phó hiệu quả của các cấp chính quyền mà còn phụ thuộc vào những điều rất nhỏ, bắt đầu từ việc rửa tay thường xuyên và vứt khẩu trang đúng cách.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.