Con bệnh đã lờn thuốc?

17/10/2014 04:00 GMT+7

Báo cáo Chính phủ đánh giá, trong năm 2014, “tình hình tham nhũng trong khu vực công vẫn còn nghiêm trọng, diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công ”.

Tham nhũng “ngày càng tinh vi, khó phát hiện do các đối tượng tham nhũng thường có chức vụ, trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích. Tội phạm về kinh tế, tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, chứng khoán tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thất thoát lớn cho tài sản của nhà nước”.

Theo Ủy ban Tư pháp, việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng chưa tương xứng với số vụ việc, vụ án tham nhũng đã đưa ra xét xử; thiếu quy định để kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; việc phát hiện tham nhũng thông qua công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo hiệu quả chưa cao; việc thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp; nên tình trạng suy thoái đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức vẫn diễn ra, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo; bệnh quan liêu, thành tích vẫn nặng nề; vẫn còn tình trạng bao che, dung túng cho hành vi tham nhũng của cán bộ do mình quản lý.

Như vậy, qua các báo cáo chính thức trên, sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 với rất nhiều nỗ lực của Đảng và Nhà nước,  công tác phòng chống tham nhũng vẫn giậm chân tại chỗ, tham nhũng thậm chí “phức tạp” và “tinh vi” hơn. Các đại biểu Quốc hội chắc chắn sẽ cùng nhau thảo luận câu hỏi: Làm gì và làm như thế nào để đẩy lùi và hạn chế tham nhũng trong năm tới và cho hết nhiệm kỳ? Rồi, sau khi nhìn nhận và đánh giá, lại sẽ có một nghị quyết cũng như năm trước, và sẽ không có ai bị kỷ luật hay mất chức về việc “cái bộ phận không nhỏ ấy” vẫn tiếp tục “không chịu nhỏ”.

Ai cũng biết tham nhũng, cũng như mọi hiện tượng xã hội và tự nhiên, luôn tồn tại và phát triển khi những điều kiện chủ quan và khách quan cho sự tồn tại và phát triển của nó vẫn chưa bị thay đổi hay xóa bỏ. Có người đã hình tượng hóa: một chính quyền mắc bệnh tham nhũng giống như một cơ thể bị nhiễm trùng. Khi sức đề kháng đã kiệt, cơ thể không thể tự chữa, mà cần phải có những liều thuốc đặc trị và đủ mạnh. Các biện pháp chấn chỉnh của Nghị quyết Trung ương 4 phải chăng là cái liều thuốc đặc trị ấy.

Qua các báo cáo trên, cán bộ và nhân dân có quyền đặt câu hỏi: Phải chăng con bệnh đã lờn thuốc hay kháng thuốc? Nếu vậy, nên tiếp tục chữa bệnh “cầm chừng” hay phải tăng liều hoặc đổi thuốc mạnh hơn? Đây là một câu hỏi khó đối với các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 này.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa
(Đại biểu Quốc hội)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.