Cực chẳng đã

12/08/2017 06:08 GMT+7

Vo viên tiền lẻ, nhét vô chai để trả tiền thu phí là phản ứng của nhiều tài xế để phản đối trạm thu phí trên QL1A (Cai Lậy, Tiền Giang).

Trước đó không lâu rất đông người dân ở H.Nghi Xuân (Hà Tĩnh) và TP.Vinh (Nghệ An) cũng lái ô tô dán băng rôn và dùng nhiều xấp tiền lẻ có mệnh giá từ 200 - 2.000 đồng để mua vé tại trạm thu phí BOT Bến Thủy 1.
Chuyện người dân, tài xế, doanh nghiệp (DN) phản đối trạm thu phí ngày càng nhiều nhưng với họ việc này cũng là việc “cực chẳng đã”. Nói thế là vì cách phản đối trên khiến họ cũng trở thành nạn nhân của chính mình. Họ có quyền trả bằng tiền lẻ, nhưng vo viên rồi nhét vào trong chai là hành vi cố ý làm cho việc thu phí lâu hơn, dẫn đến ùn tắc, có thể bị xử phạt hành chính về hành vi “gây rối trật tự công cộng”.
Thậm chí, theo quy định của bộ luật Hình sự thì gây cản trở giao thông từ 2 giờ trở lên hoặc gây cản trở giao thông ở những tuyến đường quan trọng, làm ách tắc giao thông trên diện rộng (không phân biệt thời gian bao lâu) sẽ bị phạt từ 2 - 7 năm tù. Ngay cả bỏ qua chuyện vi phạm luật thì gây ra tình trạng kẹt xe, bản thân tài xế cũng bị mất thời gian, công việc bị chậm trễ, thậm chí có thể gây bức xúc, dẫn đến mâu thuẫn xung đột với những người, những xe vô tình bị kẹt lại vì hành vi này.
Vậy tại sao nhiều tài xế, người dân và DN lại phải “làm to chuyện” như vậy? Bởi không làm thế thì những bức xúc của họ về việc phí không ai nghe, không ai giải quyết. Không ai ủng hộ việc ngày nào cũng “cực chẳng đã”, làm cản trở giao thông. Và gốc gác của vấn đề không nằm ở cái trạm thu phí, ở nhà đầu tư mà ở chính những bất cập trong cơ chế, chính sách liên quan tới các dự án BOT hiện nay.
Đơn cử nhiều dự án BOT được thực hiện theo hình thức chỉ định thầu thay vì đấu thầu rộng rãi đã làm mất cơ hội để chào giá cạnh tranh, tiết giảm được tổng mức đầu tư, từ đó rút ngắn thời gian hoàn vốn. Chỉ định thầu có thể dẫn tới nhà đầu tư không đủ năng lực, các DN sân sau, những cái bắt tay “hai bên cùng có lợi”...
Việc một số nhà đầu tư phải đi vay vốn gần như hoàn toàn đã khiến suất đầu tư cho một ki lô mét đường cao tốc tăng cao, kèm theo đó là thời gian thu phí kéo dài, phí cao, trạm thu phí dày đặc, trạm đặt không đúng vị trí... Mới đây, nhiều trạm thu phí giảm phí (trên cơ sở đề xuất, kiến nghị của UBND các tỉnh, TP và DN) nhưng doanh thu vẫn vượt so với phương án tài chính hay những dự án BOT chưa đi hết nửa thời gian thu phí nhưng doanh thu, lợi nhuận đã vượt kế hoạch... Thực tế đó đặt ra câu hỏi về năng lực thẩm định, về việc có hay không sự bắt tay của cơ quan có thẩm quyền và DN trong việc tính toán lưu lượng xe, doanh thu, thời gian thu...
Ngân sách hạn hẹp trong khi nhu cầu phát triển hạ tầng, nhất là giao thông thì quá lớn nên việc thu hút vốn đầu tư trong thời gian tới vẫn là cần thiết. Nhưng nếu không công khai, minh bạch cơ chế, chính sách thì những chuyện "cực chẳng đã" như nói trên sẽ tiếp tục với hậu quả khó lường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.