Cuối năm, lại nói về bệnh thành tích

23/12/2007 00:27 GMT+7

Thi đua là để đạt được mục tiêu đã đề ra, để đạt được thành tích cao hơn năm trước, cao hơn nơi khác. Nhưng cần tránh tình trạng "thi đua là phải đi đầu, đi đâu không biết, đi đầu cứ đi", bởi thi đua kiểu ấy chẳng những không có ích gì, mà nó hại đơn hại kép.

Về vật chất, sự tốn kém không chỉ là số tiền chi thưởng, chi phí tổ chức hội nghị tuyên dương phát thưởng ở đầu này, mà lớn hơn là cái giá phải trả để khắc phục bệnh thành tích ở đầu kia. Lớn hơn nữa là nó khuyến khích tính thiếu trung thực của người lập báo cáo, làm xói mòn lòng tin của người sử dụng thông tin, làm phát sinh tính kiêu ngạo của người lãnh đạo. Nếu nó thành phổ biến và nó truyền cho lớp trẻ thì còn nguy hiểm hơn.

Những con số mà những người mắc bệnh thành tích rất ưa dùng có rất nhiều, ở đây xin tập trung vào một số con số nhạy cảm chủ yếu. Trong khi tốc độ tăng GDP của cả nước phải phấn đấu quyết liệt  mới có thể đạt 8,5%, nhưng của hầu hết các địa phương đều cao hơn rất nhiều, kể cả những địa phương mà nông nghiệp còn chiếm trên một nửa GDP do năm nay bị thiệt hại lớn về thiên tai, dịch bệnh. Năm tới sẽ lặp lại khi mục tiêu đặt ra lại cao hơn mức thực hiện của năm trước. Có những địa phương có GDP bình quân đầu người chỉ bằng một nửa của cả nước, nhưng HDI (chỉ số phát triển con người) do họ tính ra lại ngang bằng hoặc lớn hơn của cả nước; điều này chỉ có thể lý giải bằng việc họ phải "mượn" thêm các cụ thượng thọ, đại thượng thọ, "mượn" thêm những người biết chữ, những người lớn đi học và đẩy những người mù chữ và những người lớn không chịu đi học ra khỏi bảng thống kê. Diện tích rừng trồng mới hằng năm được một số địa phương báo cáo thường cũng không chính xác, bởi nếu đem cộng diện tích rừng trồng mới của địa phương này trong nhiều năm có khi còn lớn hơn cả diện tích của tỉnh đó, trong khi theo số liệu của cả nước phấn đấu phải đến năm 2010 mới đạt tỷ lệ che phủ rừng vào năm 1945 - tức là 42%!

Số lượng doanh nghiệp hiện nay cũng có các con số khác nhau đến một trời một vực. Số doanh nghiệp của cả nước hiện nay theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (tổng hợp từ các cơ quan đăng ký kinh doanh) đã lên đến trên 250 nghìn và có lẽ đây là con số để xây dựng mục tiêu đến năm 2010 phải đạt 500 nghìn doanh nghiệp; theo Tổng cục Thuế cũng đã vượt 200 nghìn; còn theo Tổng cục Thống kê thì mới khoảng trên dưới 150 nghìn doanh nghiệp. Hẳn là do nhiều nguyên nhân. Một phần do quan niệm về doanh nghiệp khác nhau giữa các ngành. Một phần do trong thực tế đã có nhiều doanh nghiệp đăng ký thành lập nhưng đã không hoạt động hoặc sau một thời gian hoạt động đã giải thể; có nhiều doanh nghiệp đã đăng ký mã số thuế nhưng hoặc đã giải thể, hoặc vì nợ thuế mà không còn hoạt động. Đó là chưa kể tình trạng số lượng "doanh nghiệp ma" tồn tại không ít trong nền kinh tế mà việc quản lý của các ngành còn yếu kém, thiếu sự phối hợp đồng bộ như hiện nay.

Tình hình lãi, lỗ của doanh nghiệp ở nhiều nơi chẳng khác gì con kỳ nhông đổi màu: với ngân hàng thương mại thì phải lãi để được vay, với cơ quan thi đua thì cũng phải lãi để có thành tích; nhưng với cơ quan tài chính, thuế vụ thì phải lỗ để được xin cấp bù... Muốn lãi, muốn lỗ thì chỉ cần dùng vài thủ thuật kế toán (như treo nợ, tăng hay giảm giá sản phẩm tồn kho, tăng hay giảm khấu hao...).

Điển hình mới đây là chuyện công bố tốc độ tăng giá tiêu dùng. Giá tiêu dùng năm 2006, nếu lấy tháng 12.2006 so với tháng 12.2005 thì tăng 6,6%, còn nếu tính bình quân thì tăng 7,5%, nhưng lúc đó không thấy Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Tá đưa ra con số 7,5%. Trong khi 11 tháng năm nay, các con số tương ứng trên là 9,45% và 7,92%, thì Thứ trưởng Trần Văn Tá lại bảo chỉ tăng 7,92%. Phải chăng với 7,92% thì hoàn thành mục tiêu Quốc hội giao, còn 9,45% thì không hoàn thành mục tiêu? Nếu năm nay mà giá tiêu dùng diễn ra theo chiều hướng của năm 2006 (cách tính sau cao hơn cách tính trước) thì liệu đại diện Bộ Tài chính có lấy cách tính sau hay không? Có lẽ là không. Hơn nữa, theo luật thì Tổng cục Thống kê mới có quyền công bố chỉ số giá tiêu dùng chứ đâu phải là đại diện Bộ Tài chính!

Ngay cả vấn đề nhập siêu, nếu năm trước mới chưa đến 5,1 tỉ USD và mới bằng 12,7% kim ngạch xuất khẩu; kế hoạch năm nay đề ra cũng chỉ trên 5 tỉ USD, nhưng thực hiện cả năm có thể cao gấp đôi. Nhưng nhiều cơ quan, nhất là cơ quan chịu trách nhiệm chính về vấn đề này lại vẫn cho rằng không có vấn đề gì, thậm chí còn nói đó là sự cần thiết; khi đề cập đến nguyên nhân thì đều quy cho khách quan là chủ yếu.

Về dân số, không ít địa phương khi báo cáo về giảm tỷ lệ sinh thì đều đạt hoặc vượt mục tiêu đề ra. Nhưng khi báo cáo về số lượng dân thì ít có địa phương nào lại thấp hơn dữ liệu của Tổng cục Thống kê, nếu cộng các địa phương lại thì cao hơn số liệu của Tổng cục Thống kê hàng nửa triệu người.

Nếu như lấy số liệu tổng hợp các địa phương để tính số liệu chung của cả nước thì tốc độ tăng trưởng GDP hằng năm phải gấp một lần rưỡi số liệu mà Tổng cục Thống kê đã công bố. Cũng may là Tổng cục Thống kê khi tính toán số liệu đã áp dụng các phương pháp khoa học để loại trừ các "báo cáo láo".  

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.