Đặc khu

23/05/2018 05:07 GMT+7

Hôm nay, trong hội trường, Quốc hội sẽ thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc).

Còn trên thực tế, từ nhiều tháng nay, các địa phương này đang vật vã với những cơn sốt đất, mang tên “đặc khu”.
Và để chiều lòng dư luận, thay vì nói về những vấn đề bản chất của dự án luật này, đó là mô hình đơn vị hành chính, phương thức quản lý hiện đại thì báo chí và ngay cả các đại biểu Quốc hội lại nói về sốt đất, nói về xin cơ chế ưu đãi, nói về nguồn vốn đầu tư triệu tỉ.
Mô hình đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (đặc khu kinh tế) không xa lạ trên thế giới; Phát triển mô hình này là để thu hút nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tiếp nhận tri thức, công nghệ mới, thúc đẩy trao đổi thương mại, hội nhập với quốc tế...
Còn ở VN thì sao? Điểm chung của 3 đề án phát triển đặc khu kinh tế hiện nay là chính quyền địa phương xin ưu đãi thông qua đề xuất được giữ lại nguồn thu trên địa bàn tỉnh để dồn vốn cho phát triển đặc khu kinh tế trong những năm tới. Quảng Ninh thì xin giữ lại 100% số thu ngân sách nội địa phát sinh trên địa bàn đặc khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2030, 25% số thu nội địa của tỉnh Quảng Ninh (khoảng 2.000 tỉ đồng/năm) trong 5 năm đầu, chưa kể bổ sung ngân sách hàng nghìn tỉ/năm cho đầu tư hạ tầng, xã hội... Phú Quốc, Vân Phong cũng tương tự như vậy.
Nhưng có vẻ rất khác với tư duy của chính quyền, cái mà các nhà đầu tư quan tâm ở các đơn vị hành chính đặc biệt không phải là ưu đãi thuế, đất đai mà chính là chính quyền tại đặc khu, cơ chế chính sách, thủ tục cho các nhà đầu tư, các cam kết của Chính phủ, môi trường đầu tư kinh doanh... “Chúng tôi mong muốn các thể chế minh bạch, cởi mở chứ không phải cơ chế xin cho”, phó tổng giám đốc một tập đoàn bất động sản đang có những dự án đầu tư nhất nhì tại Phú Quốc và Vân Đồn khẳng định.
Do vậy, căn bản của luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là phải hướng đến sự ổn định, minh bạch chính sách, cũng như tạo môi trường kinh doanh bình đẳng. Nhà nước chỉ nên vạch ra cơ chế, vẽ ra những mô hình và xây dựng một bộ máy chính quyền năng động.
Chúng ta đã có nhiều khu kinh tế (không mấy thành công), và đó phải là bài học để dự luật này đừng chỉ nghĩ đến kinh tế. Cái Quốc hội cần phải cân nhắc (và quyết định) là hình hài các đặc khu sẽ thế nào, lĩnh vực nào cần thu hút FDI, ưu tiên đầu tư công nghệ cao, xanh và sạch hay casino, chứ không chỉ là ưu đãi thuế thế nào, ngân sách đầu tư bao nhiêu tiền cho địa phương.
Hãy kiến tạo đặc khu hành chính, tạo động lực phát triển và lan tỏa, chứ đừng biến nó thành thiên đường chuyển giá và đầu tư bất động sản.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.