Đánh bùn sang ao

12/01/2018 04:57 GMT+7

Phiên tòa xét xử các bị cáo thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia VN (PVN) đang nhận được sự chú ý đặc biệt của dư luận, không chỉ vì mức độ “cao cấp” của các bị cáo mà còn vì sự phức tạp của vấn đề.

Ngày 9.1, trả lời Hội đồng xét xử về việc chỉ định Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí VN (PVC) làm tổng thầu dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, bị cáo Đinh La Thăng khai: “Việc chỉ định PVC làm nhà thầu của Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 xuất phát từ chủ trương của Bộ Chính trị trong Kết luận 41 về chiến lược phát triển PVN đến năm 2015, tầm nhìn đến 2025 và xây dựng PVN trở thành một tập đoàn kinh tế mạnh, đa ngành, trong đó có việc đẩy mạnh, tăng doanh thu của tập đoàn; Triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng như Chỉ thị của Bộ Chính trị trong việc người VN ưu tiên dùng hàng VN, triển khai chủ trương chỉ đạo của Chính phủ về việc phát huy nguồn lực, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô...”.
Kiểu “đánh bùn sang ao” của bị cáo Đinh La Thăng đã ngay lập tức khiến cho những người chưa từng biết đến Kết luận số 41-KL/TW (ngày 19.1.2006) của Bộ Chính trị khóa X nghĩ rằng, ông Đinh La Thăng chỉ là một người thừa hành. Kết luận 41 đưa ra chiến lược phát triển ngành dầu khí (đến 2015) thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, đồng bộ, bao gồm: tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tàng trữ, phân phối, dịch vụ và xuất, nhập khẩu. Xây dựng tập đoàn dầu khí mạnh, kinh doanh đa ngành trong nước và quốc tế. Trên nguyên tắc, “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý”, Kết luận số 41 của Bộ Chính trị không đưa ra các quyết định cụ thể, không đề cập tới dự án Nhiệt điện Thái Bình 2; càng không đề cập tới việc “chỉ định thầu” như lời khai của bị cáo Đinh La Thăng.
Chủ trương xây dựng tập đoàn mạnh không có nghĩa là bất chấp các quy định hiện hành. Ngay cả trong Văn bản 49TB-VPCP ngày 17.2.2009 thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp bàn về triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2009 của PVN, khi nói về chỉ định thầu cũng yêu cầu PVN làm đúng theo pháp luật.
Trong vụ án cụ thể này, các bị cáo đã thừa nhận hành vi “cố ý làm trái”, hậu quả của nó không còn gì để bàn cãi. Chủ tịch PVN lúc bấy giờ là ông Đinh La Thăng đã chỉ định thầu cho một nhà thầu (PVC) “không có tiền” và “sắp phá sản” (như lời khai của Trịnh Xuân Thanh) để thực hiện một công trình trọng điểm quốc gia. Còn khá nhiều khoảng trống pháp lý đang chờ các cơ quan tố tụng tiếp tục làm cho sáng tỏ.
Không thể dừng lại ở tội danh “cố ý làm trái”, dư luận đòi hỏi các cơ quan tố tụng làm rõ một vấn đề mà các luật sư của ông Đinh La Thăng vừa đặt ra, các bị cáo “động cơ tư lợi” hay không mà PVC, ngày 11.10. 2011 mới chính thức là nhà thầu của dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, nhưng từ ngày 28.4.2011 đến 12.7.2011, PVN đã làm các thủ tục chi tạm ứng cho PVC tổng số tiền lên tới hơn 6,6 triệu USD và 1.312 tỉ đồng. Và chỉ trong 10 ngày từ 23 - 31.5.2011, PVC đã rút ra 1.000 tỉ để chi tiêu sai mục đích (theo cáo trạng). Đây là thời điểm “rất nhạy cảm” - ngay sau Đại hội Đảng và ít ngày trước khi ông Thăng rời ghế Chủ tịch PVN về làm Bộ trưởng Bộ GTVT (tháng 8.2011).
Nếu không tiếp tục điều tra làm rõ “dòng tiền” hàng nghìn tỉ đồng được chi ồ ạt cho những cá nhân, pháp nhân không phải là nhà thầu, dư luận sẽ không hiểu hết tầm mức vô cùng nghiêm trọng của vụ án và không có gì ngạc nhiên khi các bị cáo có thể dùng các xảo thuật để “đánh bùn sang ao”, gây hoang mang dư luận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.