Dạy học là để yêu thương

Có người cho rằng làm nhà giáo bây giờ rủi ro hơn cả tham gia giao thông. Ngay thời điểm này, giáo viên ở nước ta lên đến cả triệu người.

Tôi vẫn không tin rằng hàng triệu người đang làm cái việc dạy người ấy đang nơm nớp sợ hãi rủi ro đến bất cứ lúc nào, bởi dẫu khó khăn còn đó, nhưng các nhà giáo vẫn yêu nghề vì cái tình mà không nghề nào có được.
Cũng là yêu thương nhưng yêu thương của nghề dạy học là yêu thương của con người đối với con người, khác với sự yêu công việc của một kỹ sư chế tạo máy. Dạy học là một nghề cần rất nhiều sự sáng tạo và tình thương. Để làm được việc ấy, thầy - trò phải thương yêu nhau: Trò kính trọng và yêu thương thầy, thầy yêu quý trò như con em ruột thịt của mình.
Dạy học bây giờ không thể như ngày xưa. Trước đây chỉ bảng đen phấn trắng, giờ biết bao ứng dụng công nghệ. Trong thời đại công nghiệp 4.0 với những phát minh của trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật… việc dạy học càng phải khác xưa. Người thầy không thể chỉ cung cấp kiến thức vì điều này học sinh có thể học ở bất kỳ đâu. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa trong tương lai, con người không cần đến nhà giáo.
Lao động của người thầy là một loại lao động sáng tạo và có tình cảm, mà điều này máy móc không dễ gì thay thế được. Trong 10 - 20 năm nữa, điều học sinh cần không chỉ kiến thức mà là kỹ năng để có thể thích ứng với mọi đổi thay của cuộc sống. Nhưng rồi một lúc nào đó máy móc cũng có thể dạy học sinh các kỹ năng này, có khi còn điêu luyện hơn nhà giáo. Tuy nhiên có những điều khó máy móc nào thay thế được vai trò của nhà giáo. Đó là tình thương thầy trò. Không một nhà giáo nào có thể tiếp tục đứng lớp nếu không có tình thương với học trò mình. Ngược lại, chính tình cảm, sự kính trọng của học trò, phụ huynh là động lực, chất xúc tác để người thầy trụ vững với nghề dẫu có nhọc nhằn. Chính tình thương này sẽ giúp người thầy trong tương lai không chỉ truyển thụ kiến thức mà là người tạo cho học sinh biết ước mơ, biết tưởng tượng và biết yêu thương.
Nếu được mong muốn gì về nghề dạy học tương lai, thì những thầy cô giáo chúng tôi vẫn muốn được yêu thương học trò và muốn được học trò yêu thương và kính trọng.
Để làm được điều này, trước tiên cần tạo cho người thầy một môi trường an lành. Dạy học ở nước ta chưa thể là một nghề có thu nhập cao, nhưng giữ vị thế của người thầy thì là việc nên làm và làm được như lời bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đã nói: "Chúng ta cần trả người thầy về đúng vị trí, tâm thế của người thầy, giúp cho người thầy có một môi trường làm việc an lành nhất”.

tin liên quan

Cô giáo đưa học sinh 'trường làng' thành công dân toàn cầu
Tròn 30 tuổi, ẩn sau nụ cười thường trực tưởng như vô lo là nỗi trăn trở và rất nhiều nỗ lực của cô giáo Trần Thị Thúy (H.Kim Động, Hưng Yên): Làm sao để học trò quê mình có cơ hội được tiếp cận với những phương pháp học tập mới nhất, trở thành công dân toàn cầu?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.