Để biết người học nghĩ gì

14/01/2014 02:30 GMT+7

Có thể nói, bất cứ sự thay đổi, điều chỉnh nào của giáo dục đều ảnh hưởng đến người học dù trực tiếp hay gián tiếp. Thế nhưng, để đưa ra những quyết định liên quan đến học sinh - sinh viên, ít ai nghĩ rằng cần phải xem người học nghĩ gì, nguyện vọng ra sao.

Chính vì vậy, bao giờ người học cũng nhận những sự thay đổi ảnh hưởng đến họ ở thế bị động, khi mọi chuyện đã rồi.

Phương án thi và công nhận tốt nghiệp THPT mà Bộ GD-ĐT vừa mới công bố đầu năm nay cũng như dự thảo quy định tuyển sinh riêng cho các trường ĐH, CĐ là 2 văn bản ảnh hưởng rất lớn đến từng học sinh (HS) lớp 12 năm nay. Điều đáng mừng là Bộ đã có động thái tỏ ra cầu thị, lắng nghe các ý kiến đóng góp trước khi ban hành. Thế nhưng, đáng ra nên có một cuộc khảo sát chính thức cho biết ý kiến của HS về những vấn đề này.

Báo Thanh Niên đã thử thực hiện một khảo sát với HS lớp 12 về cải tiến kỳ thi tốt nghiệp THPT xem HS lựa chọn gì, suy nghĩ thế nào, trước những thay đổi quan trọng. Cuộc khảo sát diễn ra ở 5 trường tại TP.HCM nên cũng không nói chung cho cả nước được và dù không chính thức nhưng kết quả khảo sát này cũng là một kênh mà Bộ cần quan tâm, tham khảo để đưa ra quyết định cuối cùng.

Ngoài kết quả đáng quan tâm đã được phân tích trong số báo này, còn nhiều vấn đề rất hữu ích rút ra liên quan đến những thay đổi về chương trình, sách giáo khoa, đánh giá, thi cử, phân luồng HS... mà Bộ đang mong muốn thay đổi triệt để sau năm 2015.

Chẳng hạn kết quả khảo sát cho thấy những HS trường chuyên, trường tốp đầu không quan tâm mấy đến kỳ thi tốt nghiệp THPT nên họ cho rằng không cần có kỳ thi này. Trong khi đó, HS các trường tốp cuối lại cho biết cần thiết phải có kỳ thi tốt nghiệp. Ở đây một lần nữa lại đặt ra công tác phân luồng HS sau THCS và THPT hiện đang rất yếu ở nước ta. Theo thạc sĩ Hồ Sỹ Anh, Viện Nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, sắp tới trường THPT nên hướng tới 2 dạng: một dành cho những HS có khả năng vào các trường ĐH, dạng còn lại thuộc trường THPT kỹ thuật cho HS sau khi tốt nghiệp có thể ra đời kiếm việc mà không cần phải học lên ĐH (hoặc học tiếp trong hướng ĐH hoặc CĐ nghề).

Ý kiến của HS về môn thi tự chọn cũng sẽ giúp những nhà quản lý thiết kế chương trình sao cho HS có thể phát huy được năng lực, sở trường của mình. Làm sao để một HS, chẳng hạn ít có khả năng về toán nhưng giỏi văn, thích âm nhạc, vẽ giỏi cảm thấy mình không phải là HS kém như chương trình học và quan niệm hiện nay ở bậc phổ thông.

Sự lựa chọn của HS về các môn thi cũng giúp giáo viên và nhà quản lý giáo dục nhìn nhận lại chương trình, sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy các môn để  thu hút sự quan tâm của HS. Chẳng hạn 9% HS chọn môn sử làm môn thi tốt nghiệp (ít nhất trong 6 môn) là con số minh chứng rõ nhất HS rất chán sử với cách dạy như hiện nay. Theo các chuyên gia, điều này đòi hỏi những người viết sách, giáo viên dạy sử cần thay đổi tư duy, cách tiếp cận lịch sử và phương pháp giảng dạy…

Còn nhiều điều có thể rút ra từ kết quả khảo sát nếu chịu khó nghiên cứu. Trong đó một điểm cần lưu ý là trước mọi quyết sách cần phải tiến hành khảo sát ý kiến để có thể đưa ra những quyết định khoa học, hợp tình, hợp lý.

Thuỳ Ngân

>> Thay đổi thi tốt nghiệp THPT: Lo nảy sinh tiêu cực
>> Hai phương án thay đổi thi tốt nghiệp THPT
>> Tuyển sinh riêng: Không ai dám mạo hiểm
>> Từ chối tuyển sinh riêng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.