Để chia sẻ và thông hiểu

Trọng Phước
Trọng Phước
22/04/2018 17:48 GMT+7

Trường hợp mạng xã hội phản ánh bác sĩ bỏ mặc bệnh nhi do người nhà chưa đóng tiền ở một bệnh viện ngoại thành TP.HCM mới đây được xác minh là thực tế không tệ đến vậy.

Nguyên nhân chỉ là do bác sĩ không giải thích rõ ràng cho người nhà bệnh nhi hiểu quá trình xử lý vết thương, từ đó gây ra những hiểu lầm và bức xúc không đáng có.
Tình huống kiểu này diễn ra khá phổ biến ở các bệnh viện công. Cho dù ngành y tế có chỉ đạo nghiêm túc rút kinh nghiệm lần này thì dám chắc kiểu bức xúc tương tự vẫn sẽ còn tiếp diễn.
Bởi lẽ chuyện thăm khám kiệm lời hỏi han, ít tư vấn, động viên chỉ làm buồn lòng người bệnh. Nhưng xử trí cấp cứu có vẻ thờ ơ, chậm chạp thì rất dễ gây phẫn nộ cho cả người thân, gia đình, bạn bè của bệnh nhân có mặt. Không ít vụ đánh bác sĩ, náo loạn phòng cấp cứu cũng bởi những bức xúc kiểu này.
Bởi bất kỳ ai có người thân vào cấp cứu cũng hết sức mất bình tĩnh, âu lo và mong muốn nhận được sự hỗ trợ cao nhất, nhanh nhất. Trong khi đó chính y bác sĩ lại là những người bình tĩnh nhất. Họ được đào tạo để xử trí, chắc chắn từng có nhiều kinh nghiệm những trường hợp tương tự và nhất là bằng đánh giá chuyên môn của mình, ưu tiên trường hợp nguy hiểm tính mạng cao hơn trước hoặc ưu tiên xử trí vấn đề gì ngay, vấn đề gì để sau.
Tiếc thay những người bình tĩnh nhất, biết rõ nhất lại quá bận rộn hoặc không quan tâm để có thể giải thích, thông tin với những người hoang mang nhất, mù mờ tình hình của người thân mình nhất.
Hầu như bất kỳ ai có người thân nhập viện, nhất là các bệnh viện công, đều lục tìm ngay tất cả các mối quan hệ để có thể “gửi”. “Gửi” bác sĩ giỏi, “gửi” để có giường - phòng và kể cả một việc tưởng chừng rất đơn giản là “gửi” hỏi thăm coi tình trạng bệnh nhân ra sao, tiên lượng thế nào - những thông tin đáng ra họ phải được cơ sở điều trị chủ động cung cấp, tư vấn. Chính việc thiếu thông tin là nguyên nhân của tệ phong bì, là khởi nguồn của những bức xúc, cao trào có thể dẫn đến hành hung y bác sĩ và lan truyền tin xấu, kiểu bác sĩ bỏ mặc bệnh nhi khi chưa kịp đóng tiền, gây mất niềm tin vào y đức.
Tập võ cho bác sĩ, tăng cường bảo vệ cho bệnh viện, thậm chí đang còn đề nghị cắm chốt công an gần nơi cấp cứu... mới chỉ là giải pháp cho phần ngọn của vấn đề. Cần bắt đầu cả từ nguyên nhân cơ bản: khơi thông dòng thông tin giữa phòng cấp cứu, khoa thăm khám, điều trị với bệnh nhân, người nhà để họ cùng chia sẻ, thông hiểu.
Hẳn nhiên không thể giao thêm trách nhiệm đó cho các y bác sĩ đang phải tranh thủ từng giây để cứu người trong phòng cấp cứu mà các cơ sở y tế đến lúc nên tổ chức, phân công đội ngũ của mình tham gia tư vấn, hỗ trợ cho người nhà bệnh nhân. Đội ngũ đó chính là cầu nối thông tin tức thời, bằng những am hiểu chuyên môn của mình có thể nâng đỡ tinh thần, giải tỏa những khúc mắc... của người thân, gia đình bệnh nhân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.