Để không lặp lại thảm cảnh

Lê Hiệp
Lê Hiệp
04/11/2020 04:19 GMT+7

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) nói rằng, dù câu chuyện hủy hoại rừng không phải là chuyện gì mới, song nhìn lại lũ lụt, sạt lở ở miền Trung vừa qua càng thấm thía cho cái giá phải trả cho sự tàn phá này.

Không có gì lạ khi từ thảo luận tổ cho tới thảo luận tại nghị trường những ngày qua, các đại biểu Quốc hội đã dành sự quan tâm đặc biệt cho vấn đề bão lũ, thiên tai đang gây ra hậu quả nặng nề tại dải đất miền Trung.

ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) phát biểu tại quốc hội ngày 3.11.2020

Bởi đó không chỉ là chuyện dị thường của mưa lũ với những con số kỷ lục hay lịch sử. Đó là câu chuyện của hàng trăm tính mạng người dân, hầu hết là dân nghèo và các cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn cho dân trong ngập lụt, thiên tai.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Viện Đại học Y Hà Nội, trong phần tranh luận với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, đã cho rằng như một quy luật của thiên nhiên, bão lụt chắc chắn sẽ xảy ra hằng năm và chúng ta không thể dùng lòng tốt để khắc phục hậu quả bão lụt từ năm này qua năm khác.
Ông Hiếu kiến nghị: “Cần phải có một chiến lược lâu dài để giảm hậu quả nặng nề của bão lụt. Chiến lược đó cần phải được bàn bạc thận trọng ở cấp quốc gia, có sự đóng góp của nhiều chuyên gia trên nhiều lĩnh vực”. Theo ông Hiếu, chiến lược lâu dài đó cần giải quyết từ các vấn đề vĩ mô như nguồn nước thượng nguồn của các dòng sông đổ vào Việt Nam; hạn chế Trung Quốc, Lào, Campuchia hay Thái Lan xây, vận hành các đập thủy điện cho tới việc cập nhật bản đồ sạt lở các tỉnh, thành phố trong cả nước; xây nhà chống lũ, trang thiết bị cứu hộ, cảnh báo lũ sớm hiệu quả hơn, hay có sẵn những khu tập trung cho người dân tránh nạn khi lũ lụt...
Một chiến lược dài hạn để phòng ngừa, khắc phục hậu quả của thiên tai, dự báo chính xác để có giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu cũng là điều được nhiều đại biểu Quốc hội nhắc tới. “Chẳng lẽ năm nay như vậy rồi, tương lai lại để vùi lấp tiếp nữa hay sao?”, Chủ tịch Quốc hội đã đặt câu hỏi như vậy và đề nghị Chính phủ cần phải lồng ghép các nội dung phòng ngừa thiên tai, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch, chiến lược cho cả nhiệm kỳ.
Một chiến lược như vậy, đương nhiên là nhiệm vụ nặng nề với công tác điều hành của Chính phủ. Tuy nhiên, đúng như đại biểu Hiếu nói, thảm họa sẽ xảy ra bất cứ nơi nào tại Việt Nam nếu sự thay đổi chỉ nằm trong nghị quyết chứ không trong suy nghĩ và thói quen của từng người. Nếu không thay đổi tư duy thì sẽ còn những trận lụt lịch sử, những “cột mốc” tang thương trong tương lai.

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu tranh luận tại quốc hội tại phiên họp ngày 3.11.2020

Là đại biểu ở vùng đất đang oằn mình gánh chịu những thiệt hại của bão lũ những ngày qua, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) đã ngậm ngùi nói rằng, dù câu chuyện hủy hoại rừng không phải là chuyện gì mới, song nhìn lại lũ lụt, sạt lở ở miền Trung vừa qua càng thấm thía cho cái giá phải trả cho sự tàn phá này.
Đại biểu Quảng Trị cũng đề xuất về một chiến lược phát triển kinh tế cho vùng chịu nhiều tác động thiên tai để phát triển bền vững. “Một hành động kiên quyết, mạnh mẽ hôm nay dẫu phải hy sinh một phần về kinh tế trước mắt, nhưng chắc chắn sẽ mang lại sự sống an toàn, mưu sinh cho hàng chục triệu người dân miền núi và vùng hạ du, để không lặp lại thảm cảnh mỗi mùa mưa bão đến”, đại biểu Thắng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.